Nhà khoa học đoạt Giải Nobel vì tìm ra virus HIV: Việc nghiên cứu vaccine HIV chắc chắn thành công
(HNTTO) – GS. Françoise Barré-Sinoussi – nhà khoa học đoạt Giải Nobel Y học nhờ tìm ra virus HIV – tin rằng, chiến lược mới về vắc xin HIV chắc chắn một ngày nào đó sẽ thành công. Đó là niềm hy vọng để chấm dứt đại dịch HIV trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Giáo sư Francoise Barre-Sinoussi và bày tỏ sự ngưỡng mộ bà vì những đóng góp to lớn cho nhân loại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
GS. Françoise Barré-Sinoussi đã có mặt ở Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 40 năm tìm ra virusHIV. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với bà để trao đổi, nghiên cứu về hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống HIV, lao, viêm gan và các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Sau đó, GS. Françoise Barré-Sinoussi cũng đã tham dự hội thảo khoa học “Hướng tới kết thúc dịch bệnh tại Việt Nam” do Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ANRS-MIE của Pháp và Trường Đại học Y Dược Hải Phòng tổ chức và nhiều hoạt động khác tại Việt Nam.
Trong dịp này, VietTimes đã vinh dự được GS. Françoise Barré-Sinoussi dành cho một cuộc phỏng vấn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Trước hết, xin được cảm ơn bà rất nhiều vì đã nhận lời phỏng vấn của chúng tôi. Xin được hỏi bà câu đầu tiên: Bà có thể cho biết tính khả thi của vắc xin và thuốc điều trị HIV mà bà đang nghiên cứu? Các nhà khoa học đã sớm tìm ra vắc xin Covid-19 thì chúng tôi có quyền hy vọng với vắc xin HIV chứ, thưa bà?
GS. Françoise Barré-Sinoussi:Đối với việc nghiên cứu vắc xin, dù thành công hay thất bại, điều đó không có nghĩa là chúng ta nên dừng lại. Ngày càng có nhiều dữ liệu để chúng tôi đánh giá hiệu quả của kháng thểtrong sự kết hợp cụ thể và biết nhiều hơn về mức độ phức tạp của phản ứng mà vắc xin nên sử dụng để đạt hiệu quả. Nếu chúng ta hiểu được những cái đó thì việc phát triển vắc xin sẽ dễ dàng hơn nhiều.
GS. Françoise Barré-Sinoussi – nhà khoa học đoạtGiải NobelY học nhờ tìm ra virus HIV – đã có mặt ở Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 40 năm tìm ra virus HIV (ảnh: Thanh Hằng)
Chúng ta cần khoa học cơ bản và miễn dịch học để hiểu cách tạo ra HIV, và bây giờ chúng ta đang phát triển chiến lược mới về vắc xin và tôi chắc chắn một ngày nào đó sẽ thành công.
Tuy nhiên, HIV có cấu trúc không đơn giản như virus corona SARS-CoV-2, nên người bệnh có thể nhiễm virus HIV với nhiều loại khác nhau. Trong quá trình nhiễm bệnh, lây lan, virus liên tục thay đổi. Vì thế, vấn đề hiện các bác sĩ quan tâm không phải là độ nặng nhẹ của bệnh, mà là phản ứng của cơ thể đối với quá trình điều trị, từ đó sẽ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.
Để chữa khỏi HIV, GS. Sharon Lewin – Chủ tịch Ban cố vấn khoa học của ANRS/MIE của Pháp – đã nói về việc điều trị với các chiến lược khác nhau: Liệu pháp miễn dịch, liệu pháp gen và chúng ta đang đạt được tiến bộtrong việc chống lại HIV.
Thế giới đã phát minh ra nhiều loại thuốc điều trị, dù chưa thể chữa khỏi hoàn toàn HIV/AIDS, nhưng người bệnh nếu được phát hiện sớm, điều trị bằng thuốc ARV đúng phác đồ thì có thể sống như người bình thường. Sau 6 tháng, tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện, người bệnh sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình, làm giảm lây truyền từ mẹ sang con.
Chúng ta cần hiểu rõ hơn sự tồn tại của virus trong cơ thể. Có những trường hợp mang virus HIV trong người rất lâu, dù họ không dùng thuốc nhưng vẫn tự ngăn chặn sự lây lan của virus. Tỉ lệ này rất thấp, dưới 0,5 % và họ là đối tượng nghiên cứu của khoa học
Hiện các nhà khoa học đang tìm cách để cơ thể con người có cơ chế phản vệ, hạn chế đưa quá nhiều thuốc kháng HIV vào cơ thể, hạn chế các phản ứng của cơ thể với HIV, đồng thời, nghiên cứu các phương pháp cô lập virus để nó không lây lan, phát triển được nữa.
Điều quan trọng nhất là phải tìm ra loại thuốc tách virus HIV ra khỏi con người nhưng hiện nay y học chưa đạt được trình độ đó.
PV: Thưa bà! Khi nào bà phát triển được một loại thuốc mới, hay liệu pháp mới, chẳng hạn như sự kết hợp giữa miễn dịch và di truyền, bà có ý định đưa vào Việt Nam thử nghiệm lâm sàng không?
GS. Françoise Barré-Sinoussi:Câu đó bạn không nên hỏi tôi, bạn nên hỏi tôi nếu tôi là người Việt Nam (cười). Tôi không quyết định về Việt Nam!
PV: Không, ý tôi là nếu Việt Nam quan tâm, bà có thể cân nhắc để Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng không?
GS. Françoise Barré-Sinoussi:Chúng tôi rất sẵn lòng. Quyết định liên quan đến người dân luôn được đưa ra ngay từ đầu, dựa trên các ưu tiên của Việt Nam và nếu các đồng nghiệp của chúng tôi ở Việt Nam nghĩ rằng có những ưu tiên trong lĩnh vực này thì chúng tôi rất sẵn lòng.
PV: Là chuyên gia hàng đầu thế giới về HIV, xin bà vui lòng đưa ra nhữngkhuyến nghị cho các hoạt động kiểm soát HIV ở Việt Nam cũng như các hoạt động cần lưu ý trong tương lai?
GS. Françoise Barré-Sinoussi:Những vấn đề về xét nghiệm HIV không phải riêng ở Việt Nam mà có ởkhắp nơi trên thế giới. Việc phân biệt đối xử sẽ dẫn đến xét nghiệm HIV không đầy đủ và khả năng tiếp cận xét nghiệm hạn chế có thể làm bùng phát dịch, nên chúng ta phải đấu tranh chống lại sự kỳ thị và cải thiện khả năng tiếp cận.
GS. Françoise Barré-Sinoussi chia sẻ về việc nghiên cứu vắc xin HIV tại buổi lễ đặc biệt kỷ niệm 40 năm tìm ra virus HIV mà Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và ANRS-MIE của Pháp tổ chức bất ngờ cho bà (ảnh: Thanh Hằng)
Tại Việt Nam, virus HIV đang phát triển rất nhanh ở nhóm đồng tính nam (MSM). Do đó, ngành y tế phải tiến hành phát hiện sớm người mắc HIV và theo dõi từng bệnh nhân để có phác đồ điều trị phù hợp. Phác đồđiều trị ở Việt Nam và trên thế giới hiện chưa được khai thác triệt để. Nếu khai thác triệt để sẽ điều trị được hơn 90%.
Khuyến nghị của tôi đối với Việt Nam là sử dụng các loại thuốc điều trị có tác dụng kéo dài, cũng như thuốc PrEP để phòng ngừa lây nhiễm HIV, cho nhóm đối tượng nhiễm bệnh chính tiếp cận các phương pháp mới.
PV: Xin được cám ơn giáo sư vì đã dành cho VietTimes cuộc trò chuyện!
GS. Françoise Barré-Sinoussi là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Pháp và Viện Hàn lâm Y học Quốc gia tại Pháp và Hoa Kỳ.
Bà đã tham gia nghiên cứu về retrovirus từ đầu những năm 1970. Bà được quốc tế công nhận vì những đóng góp cho HIV/AIDS, đặc biệt là việc phát hiện ra HIV năm 1983 và nhờ đó, bà đã được trao giải Nobel vềSinh lý học và Y học năm 2008.
Năm 2015, với tư cách là Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia (INSERM) và giáo sư tại Viện Pasteur ở Pháp, bà đã dẫn đầu các chương trình nghiên cứu về cơ chế bệnh sinh của HIV/AIDS, đặc biệt là về các cơ chế cần thiết để kiểm soát nhiễm HIV và kích hoạt tế bào T có hại để đáp ứng với nhiễm HIV.
Cùng với các hoạt động nghiên cứu của mình, GS. Françoise Barré-Sinoussi còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khoa học đa ngành và chuyển giao.
Năm 2010, bà phát động sáng kiến “Hướng tới phương pháp chữa trị HIV” của Hiệp hội AIDS Quốc tế (IAS), như mong muốn của bà trong việc vận động nhằm đẩy nhanh các can thiệp y tế công cộng dựa trên bằng chứng khoa học về phòng ngừa, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
GS. Françoise Barré-Sinoussi là tác giả và đồng tác giả của hơn 300 ấn phẩm gốc và hơn 125 bài báo phê bình. Bà đã được mời làm diễn giả tại hơn 400 cuộc họp và/hoặc hội nghị quốc tế.
GS. Francoise Barré Sinoussi – người được giải Nobel Y học vì phát hiện ra virus HIV (phải) và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đồng chủ trì hội thảo khoa học quốc tế “Hướng tới kết thúc dịch bệnh tại Việt Nam” tại Hải Phòng (ảnh: Thanh Hằng)
GS. Françoise Barré-Sinoussi là Chủ tịch IAS từ năm 2012 đến năm 2014. Hiện nay, bà là Chủ tịch danh dựcủa Mạng lưới Quốc tế Viện Pasteur và Khoa Virus học của Viện Pasteur ở Paris.
Bà cũng là Phó Chủ tịch của Think Tank “Sức khỏe toàn cầu 2030” ở Pháp.
GS. Françoise Barré-Sinoussi đã được Chính phủ Pháp trao tặng nhiều huân chương cao quý và gần đây nhất là nâng hạng khen thưởng cao nhất là “Grand Cross” trong thứ hạng khen thưởng “Bắc đẩu Bội tinh” của Pháp.
Từ năm 1988 đến nay, GS. Françoise Barré-Sinoussi đã hơn 20 lần đến Việt Nam, trực tiếp đào tạo cũng nhưgiúp nhiều nhà khoa học và bệnh viện, viện nghiên cứu kết nối với nhiều chuyên gia trên thế giới, tham gia vào mạng lưới nghiên cứu quốc tế.
Thanh Hằng
https://viettimes.vn/nha-khoa-hoc-doat-giai-nobel-vi-tim-ra-virus-hiv-viec-nghien-cuu-vaccine-hiv-chac-chan-thanh-cong-post171742.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat#171742|home-highlight|0