7 nhà báo cùng tìm câu trả lời cho dạy học tích hợp
(HNTTO) – Loạt bài ‘Vì sao phải thực hiện dạy học tích hợp’ đã xuất sắc đoạt giải tại Giải báo chí toàn quốc ‘Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam’ năm 2023.
Nhóm tác giả: Vũ Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Kim Thoa, Nguyễn Thị Sáu, Thiều Thị Anh Thơ, Nguyễn Thị Liên, Cao Quốc Việt, Lê Xuân Quý của Báo Đại biểu Nhân dân.
Tác phẩm do nhóm tác giả: Vũ Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Kim Thoa, Nguyễn Thị Sáu, Thiều Thị Anh Thơ, Nguyễn Thị Liên, Cao Quốc Việt, Lê Xuân Quý của Báo Đại biểu Nhân dân thực hiện.
Trăn trở với những câu hỏi vì sao và tại sao?
Chia sẻ lý do viết loạt bài ‘Vì sao phải thực hiện dạy học tích hợp’, nhà báo Vũ Thị Hồng Hạnh cho hay, năm học 2023-2024 là năm thứ 3 triển khai dạy các môn tích hợp ở cấp THCS.
Sau 2 năm triển khai, một số giáo viên, nhà trường hào hứng và đã triển khai thực hiện tốt việc dạy tích hợp. Tuy nhiên, nhiều thầy, cô, cơ sở giáo dục vẫn gặp không ít khó khăn hoặc chưa thể thực sự triển khai.
Vấn đề dạy học tích hợp thực tế vẫn đang có 2 luồng ý kiến tranh luận. Những tranh luận này diễn ra trên mạng xã hội và ngay trong chính đội ngũ giáo viên, nhà quản lý.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không quay lại dùng Chương trình giáo dục phổ thông những năm 1990, 2002 hay 2006? Tại sao không tách về các môn đơn lẻ như chúng ta vẫn áp dụng bao năm nay?
Có thể nói, việc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xây dựng các môn học tích hợp, trước hết nhằm thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; trong đó nhấn mạnh tới dạy học tích hợp.
Dạy học tích hợp cũng là yếu tố tất yếu của mô hình giáo dục phát triển năng lực học sinh, là xu hướng các quốc gia phát triển trên thế giới đã thực hiện từ vài chục năm nay.
Nhà báo Vũ Thị Hồng Hạnh.
Nhà báo Vũ Thị Hồng Hạnh cho biết, nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục khẳng định, đưa tích hợp vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chủ trương đúng đắn và sẽ rất đáng tiếc nếu môn tích hợp bị tách về các môn đơn lẻ.
“Trên thực tế, việc chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cũng như các quan điểm về dạy học phát triển năng lực, dạy học tích hợp của Bộ GD&ĐT không nóng vội. Tất cả mọi thứ đều đã chủ động từng bước, từ rất nhiều năm về trước” – nhà báo Vũ Thị Hồng Hạnh nhìn nhận.
Đặt vấn đề tại sao rất nhiều địa phương, trường học, giáo viên gặp khó, thậm chí áp lực khi triển khai dạy học tích hợp? Nhóm tác giả đến từ Báo Đại biểu Nhân dân cho rằng, cần phát huy vai trò của truyền thông trong việc tìm hiểu, phân tích và đưa ra những góc nhìn khách quan nhất về dạy học tích hợp.
Đặc biệt, tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, những điểm nghẽn, điểm vướng mà các giáo viên, nhà trường đang gặp phải để việc dạy và học tích hợp trong thời gian tới hiệu quả hơn.
Nhà báo Nguyễn Thị Liên phỏng vấn GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.
Bớt “loay hoay” khi dạy – học tích hợp
Chia sẻ thêm về loạt bài ‘Vì sao phải thực hiện dạy học tích hợp?’ nhà báo Nguyễn Thị Liên cho hay, loạt bài gồm 4 kỳ; trong đó Kỳ 1 có chủ đề: Vì sao phải thực hiện dạy học tích hợp? Kỳ 2: Dạy học tích hợp – “Cuộc chiến” khắc nghiệt giữa cái cũ và cái mới; Kỳ 3: Dạy học tích hợp không sai: Vậy cần sửa cái gì? Kỳ 4: Dạy học tích hợp: Ngành giáo dục đã nhận diện được bất cập thì cần điều chỉnh ngay.
Trong loạt bài, nhóm tác giả đưa ý kiến của những người trực tiếp tham gia vào quá trình chuẩn bị, triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 và PGS.TS Nguyễn Thuý Hồng – nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).
Đồng thời, lắng nghe ý kiến của giáo viên từ nhiều địa phương, lãnh đạo các trường THCS, lãnh đạo Sở GD&ĐT, các chuyên gia giáo dục chia sẻ, nhận định về thực trạng dạy và học tích hợp hiện nay, những thuận lợi và khó khăn, kinh nghiệm từ thế giới, cũng như các đề xuất của họ về giải pháp cần triển khai thời gian tới.
“Đặc biệt, với vai trò là cơ quan ngôn luận của Quốc hội, tiếng nói của Quốc hội và là diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và cử tri cả nước, chúng tôi cũng đưa ý kiến của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội – ông Đinh Công Sỹ cùng các đại biểu Quốc hội là những người đang trực tiếp làm việc trong ngành giáo dục về chủ đề này” – nhà báo Nguyễn Thị Liên chia sẻ.
Từ trái qua phải là các nhà báo: Lê Xuân Quý, Vũ Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Liên, Cao Quốc Việt.
Theo nhà báo Nguyễn Thị Liên, khó khăn lớn nhất khi thực hiện tuyến bài trên là việc phải xác định triển khai như thế nào để bạn đọc hiểu rõ hơn về khái niệm dạy học tích hợp, lợi ích và ý nghĩa của việc dạy học tích hợp.
Dư luận có rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí trong đội ngũ giáo viên, lãnh đạo nhà trường cũng có không ít ý kiến về việc “vì sao phải triển khai dạy học tích hợp?”, “vì sao không quay lại dạy đơn môn như cũ?”.
Ngoài ra, việc liên hệ nhân vật, nhất là với giáo viên – những người trực tiếp triển khai dạy tích hợp cũng gặp không ít khó khăn. Thực tế là, rất nhiều thầy, cô giáo chia sẻ đang gặp khó khăn, áp lực.
Họ cảm thấy bất cập khi từ môn đơn chuyển sang dạy tích hợp. Tuy nhiên, không phải thầy cô nào cũng sẵn lòng công khai thông tin cá nhân, chia sẻ những câu chuyện lên báo chí. Họ lo lắng, e ngại vì đây là vấn đề chủ trương.
“May mắn, sau đó chúng tôi đã thuyết phục và nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ các thầy cô ở nhiều địa phương khác nhau. Họ chia sẻ, bởi mong muốn lớn nhất là góp phần tìm ra những giải pháp phù hợp nhất để tháo gỡ các khó khăn trước mắt, giúp chính họ và những học trò bớt “loay hoay” khi dạy – học tích hợp” – nhà báo Nguyễn Thị Liên bộc bạch.
Nhà báo Nguyễn Thị Liên.
Qua một số lần tham dự Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”, nhóm tác giả của Báo Đại biểu Nhân dân nhận thấy, Giải được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, tạo được tiếng vang và có sức lan tỏa sâu rộng, nhận được sự quan tâm không chỉ với những người làm báo, mà còn với những người trong ngành và ngoài ngành Giáo dục.
Các tác phẩm tham dự Giải đã góp phần nói lên tiếng nói của các giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhà quản lý về các vấn đề trong ngành Giáo dục; tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
“Chính sự chuyên nghiệp và sức lan toả mạnh mẽ của Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” đã khiến chúng tôi và nhiều nhà báo khác muốn gửi tác phẩm của mình tham dự Giải” – nhà báo Vũ Thị Hồng Hạnh bày tỏ và mong muốn Ban tổ chức có thể tăng tần suất thông tin về Giải nhiều để thu hút nhiều hơn nữa sự tham dự của đông đảo phóng viên, nhà báo trên toàn quốc.
“Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” có nhiều tác phẩm xúc động, khắc hoạ chân thực những hy sinh, đóng góp của các thầy cô giáo vì sự nghiệp trồng người, nhất là các thầy cô ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn” – nhà báo Vũ Thị Hồng Hạnh.
Hải Minh. Ảnh: NVCC
https://giaoducthoidai.vn/7-nha-bao-cung-tim-cau-tra-loi-cho-day-hoc-tich-hop-post661095.html#661095|zone-box-home-2|3