(HNTTO) – Viện thực hiện tự chủ trong bối cảnh chưa thực sự đầy đủ điều kiện cơ bản mang tính nền tảng như: tính ổn định của nguồn thu; năng lực của đội ngũ…
Để nâng cao khả năng đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhiều trường đại học đã thành lập các viện trực thuộc. Đơn vị này góp phần kiện toàn bộ máy tổ chức cũng như hỗ trợ trường phát triển về quy mô, chất lượng hoạt động.
Tìm hiểu về các hoạt động của viện trực thuộc trường đại học cũng như những thuận lợi và khó khăn của viện, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Viện nghiên cứu giáo dục, trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh – một trong những viện có bề dày lịch sử, đã hình thành và phát triển hơn 40 năm.
Viện Nghiên cứu giáo dục tiền thân là Phân viện Khoa học Giáo dục miền Nam được thành lập ngày 14/11/1975.
Năm 1999, viện được sáp nhập vào Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 1/3/2001, Viện Nghiên cứu giáo dục được thành lập theo Quyết định số 1012/QĐ-BGD&ĐT-TCCB của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. .
Năm 2011, viện được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao Huân chương lao động hạng 3 cho Viện Nghiên cứu giáo dục năm 2011. (Ảnh: website Viện Nghiên cứu giáo dục)
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sưphạm Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách Viện nghiên cứu giáo dục cho hay, viện tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học và đào tạo gồm: Nghiên cứu những xu hướng giáo dục mới, những vấn đề liên ngành, góp phần xây dựng chính sách giáo dục; Đào tạo sau đại học; Chuyển giao tri thức qua các hoạt động bồi dưỡng, liên kết đào tạo quốc tế, tư vấn bảo đảm chất lượng giáo dục.
Quy chế hoạt động của viện được giao theo Quyết định số 2853/QĐ-ĐHSP năm 2018. Hiện tại, viện thực hiện tự chủ, tự vận động trong các hoạt động để tự bảo đảm chi thường xuyên.
Tiến sĩ Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách Viện nghiên cứu giáo dục trực thuộc trường (Ảnh: website nhà trường)
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, thầy Tuấn thông tin: “Viện thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học theo nhu cầu của địa phương, gồm đề tài khoa học công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố HồChí Minh, đề tài các tỉnh thành và đề tài đặt hàng của trường.
Các kết quả nghiên cứu, công trình khoa học công bố làm tăng uy tín học thuật cho viện. Đồng thời đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ tỉnh/thành đóng góp vào hoạt động kết nối và dịch vụ cộng đồng của viện cũng như toàn trường”.
Bên cạnh đó, viện thực hiện chuyển giao tri thức qua hoạt động bồi dưỡng: tổ chức các khóa bồi dưỡng theo nhu cầu của một số đối tác như Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh/thành, tổ chức và doanh nghiệp có liên quan…
Ngoài ra, viện còn chuyển giao tri thức qua hoạt động tư vấn: thiết kế khảo sát, phân tích số liệu phục vụcông tác bảo đảm chất lượng giáo dục và các vấn đề về phát triển giáo dục.
Viện nghiên cứu giáo dục cũng đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp. (Ảnh: website Viện nghiên cứu giáo dục)
Nhiều thuận lợi nhưng cũng vô vàn khó khăn
Tiến sĩ Cao Anh Tuấn chia sẻ thêm, trong quá trình hoạt động viện có thuận lợi là được chủ động triển khai một số dạng hợp đồng theo quy định về chức năng, nhiệm vụ giúp tăng khả năng tự chủ của viện.
Nhờ có bề dày lịch sử lâu đời, với hơn 40 năm hình thành và phát triển, viện có cơ sở ổn định từ các thành tựu nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng cán bộ quản lý.
Viện cũng có nhiều kinh nghiệm phối hợp thực hiện đề tài với các đơn vị liên quan. Đồng thời, viện đặt tại trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh nên có nhiều cơ hội phát triển.
Đặc biệt, viện được sự quan tâm và định hướng thực hiện nghiên cứu khoa học, giải quyết các nhiệm vụkhoa học, tổ chức các hoạt động của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, theo thầy Tuấn, viện cũng gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh tự chủ tài chính hiện nay.
“Viện thực hiện cơ chế tự chủ trong bối cảnh chưa thực sự đầy đủ các điều kiện cơ bản mang tính nền tảng cho tự chủ (tính ổn định của các nguồn thu; năng lực của đội ngũ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ;…); thực tiễn vẫn chưa có đơn vị nghiên cứu khoa học hoạt động theo mô hình tự chủ tương tự để có thể học tập, rút kinh nghiệm.
Sự thay đổi, điều chỉnh các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bồi dưỡng thường xuyên đã làm thu hẹp dần đối tượng, phạm vi, nội dung mà viện có thể tổ chức bồi dưỡng.
Ngoài ra, việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, nhất là các nghiên cứu mang tính vĩ mô gặp khó khăn trong bối cảnh nhiều nghiên cứu ứng dụng được ưu tiên hơn”, thầy Tuấn nhấn mạnh.
Viện Nghiên cứu giáo dục thực hiện nhiều chuyên đề bồi dưỡng cho các cán bộ, giảng viên. (Ảnh: website Viện nghiên cứu giáo dục)
Dù vậy nhưng theo Tiến sĩ Cao Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu giáo dục là viện đặc thù của trường đại học sưphạm trọng điểm nên viện đã và đang áp dụng nhiều giải pháp nhất là việc điều tiết các nhiệm vụ nghiên cứu, các đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng. Cụ thể nhất là góp phần nghiên cứu để giải quyết các nhiệm vụ và đóng góp phần nào cho sự phát triển của trường nên hoạt động của viện vẫn đang đi đúng định hướng.
Ngoài ra, căn cứ theo kế hoạch 5 năm của Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ chí Minh, viện đã và đang tham gia tích cực vào công tác kiểm định giáo dục và đảm bảo chất lượng giáo dục của trường, đảm bảo phát triển có trọng điểm trong giai đoạn 2023-2025.
Nhật Lệ
https://giaoduc.net.vn/vien-thuoc-truong-dai-hoc-gap-nhieu-kho-khan-trong-boi-canh-tu-chu-tai-chinh-post238562.gd