Bất động sản

Bộ luật Đất đai hay Luật Đất đai thì ổn hơn?

(HNTTO) – Với người dân, nội dung và chất lượng của các quy phạm trong luật hay bộ luật mới là điều trông đợi, còn luật hay bộ luật cũng chỉ là vấn đề hình thức văn bản.

Đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội  là tài sản thiết thân của mỗi con người. Theo quy định pháp luật, đất đai được trao quyền sử dụng cho cá nhân, tổ chức. Trong quá trình thực hiện chứcnăng quản lýnhà nước về đất đai, các cơ quan nhà nước có thể ban hành các quyết định hành chính tác động đến việc sử dụng đất của cá nhân, tổ chức. Do đó, nhằm cân bằng lợi ích trong việc sử dụng đất, Luật Đất đai năm 2013 được ban hành và trở thành công cụ pháp lý quan trọng trong việc quản lý đất đai cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Sau gần 10 năm triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho việc khai thác và sử dụng hiệu quả đất đai. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững; xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp… Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế, tạo điều kiện khơi thông điểm nghẽn trong việc sử dụng tài nguyên quan trọng này.

Vừa qua, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được hoàn thiện, chỉnh lý để chuẩn bị trình Quốc hội (QH) trong kỳ họp thứ 6. Nhìn chung, dự thảo lần này đã quy định toàn diện, đầy đủ các vấn đề liên quan đến đất đai từ chế độ sở hữu đất đai, quyền và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất… Với kỹ thuật lập pháp khá tốt và mức độ bao phủ rộng, có đề xuất cho rằng nên đổi tên Luật Đất đai thành Bộ luật Đất đai.

Luật sư Trương Thị Hòa góp ý nhiều nội dung cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có đề nghị đổi tên Luật Đất đai. Ảnh: HỮU ĐĂNG 

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), QH được quyền ban hành ba loại VBQPPL là hiến pháp; bộ luật, luật (gọi chung là luật); nghị quyết. Bộ luật và luật được hiểu với tính chất là một hình thức VBQPPL do QH ban hành nhưng khái niệm bộ luật, luật lại không được giải thích cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam. 

Theo cách hiểu hàn lâm, bộ luật là “VBQPPL do QH ban hành, tổng hợp có hệ thống theo chương, mục những quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội quan trọng của từng lĩnh vực trong đời sống xã hội”. Các từ điển giải thích thuật ngữ pháp lý ở Việt Nam cũng đưa ra định nghĩa: “Bộ luật là văn bản luật do QH thông qua, có giá trị pháp lý cao chỉ sau hiến pháp, tập hợp đầy đủ và có hệ thống theo chương, mục những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng của từng lĩnh vực lớn trong đời sống xã hội”. 

Trong khoa học pháp lý, bộ luật và luật đều được gọi chung là luật. Sự khác nhau giữa bộ luật và luật thường không nhiều. Bộ luật thường điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội rộng lớn, có tính bao quát và là “xương sống” của một ngành luật. Trong khi đó, luật có phạm vi điều chỉnh không rộng lắm. Một văn bản luật không nhất thiết tạo ra một ngành luật vì một ngành luật có thể sử dụng nhiều văn bản luật làm cơ sở. Có thể thấy giữa bộ luật và luật đều có nguồn gốc từ các quy định của hiến pháp, đều do QH ban hành, do đó đều có vai trò quan trọng và hiệu lực ngang nhau. Trên thực tế, không có cơ sở pháp lý vững chắc nào cho phép kết luận giữa luật và bộ luật, văn bản nào có giá trị pháp lý cao hơn. 

Từ góc độ thi hành pháp luật, có thể hiểu sự khác nhau chủ yếu giữa luật và bộ luật là ở mức độ, phạm vi điều chỉnh. Thường bộ luật có tính tổng hợp cao, phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát, trọn vẹn một lĩnh vực quan hệ xã hội quan trọng như hình sự, dân sự, lao động, hàng hải. Trong khi đó, luật chỉ điều chỉnh nhóm, loại quan hệ xã hội hẹp hơn. Vì lẽ này mà trình độ, kỹ thuật lập pháp cũng như khả năng pháp điển hóa của bộ luật được xem là mang tính nổi trội hơn so với luật. 

Hiện nay, ở nước ta có sáu bộ luật là Bộ luật Hình sự (26 chương với 426 điều), Bộ luật Tố tụng hình sự (36 chương với 510 điều), Bộ luật Tố tụng dân sự (42 chương với 517 điều), Bộ luật Dân sự (27 chương với 689 điều), Bộ luật Hàng hải Việt Nam (20 chương với 341 điều), Bộ luật Lao động (27 chương với 220 điều).

Dự thảo Luật Đất đai lần này có 16 chương với 264 điều. Như vậy, nếu so với các bộ luật khác đã có trong hệ thống pháp luật Việt Nam thì số chương và điều trong Luật Đất đai không phải là quá ít. Cụ thể, số điều luật trong Luật Đất đai nhiều hơn số điều luật trong Bộ luật Lao động (264 điều so với 220 điều). Số chương thì cũng không có sự cách biệt so với bộ luật có số chương ít nhất là Bộ luật Hàng hải Việt Nam (16 chương so với 20 chương). 

Bên cạnh đó, Luật Đất đai là một văn bản có phạm vi điều chỉnh rộng bởi có sự tác động đến hơn 37 luật có liên quan. Quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực đất đai đều có sự tác động lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Năm 2008, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra nhận định là để đưa Luật Đất đai vào được với cuộc sống thì phải cần đến hơn 120 văn bản hướng dẫn thi hành. Nếu tính bình quân thì cứ 1 trang Luật Đất đai phải cần đến hơn 19,5 trang văn bản hướng dẫn thi hành. Đến nay chắc chắn con số đã tăng lên chứ không dừng lại ở mức 19,5 trang. Có thể nói không có lĩnh vực nào mà văn bản pháp luật lại nhiều như vậy. Chính vì vậy, việc pháp điển hóa để nâng từ Luật Đất đai đến Bộ luật Đất đai cũng là một ý kiến khá hợp lý.

Việc đổi tên từ Luật Đất đai thành Bộ luật Đất đai có thể đáp ứng được yêu cầu rộng lớn về phạm vi điều chỉnh. Việc đổi tên này cũng có thể tác động một cách hiệu quả đến tâm lý chính trị pháp lý trong quá trình triển khai thi hành. Thế nhưng, kỳ vọng về một đạo luật có thể gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản mới là ý nghĩa và mục đích sâu xa. Nói cách khác, luật hay bộ luật chỉ có ý nghĩa với nhà lập pháp. Đối với cá nhân, tổ chức, nội dung và chất lượng của các quy phạm trong luật hay bộ luật mới là điều trông đợi.

Đạo luật tốt là đạo luật điều chỉnh hiệu quả các quan hệ xã hội. Sau tất cả, cá nhân, tổ chức vẫn kỳ vọng vào một văn bản luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến đất đai một cách rõ ràng, cụ thể, hợp lý. Còn lại luật hay bộ luật cũng chỉ là vấn đề hình thức văn bản.

TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM

https://plo.vn/bo-luat-dat-dai-hay-luat-dat-dai-thi-on-hon-post756634.html

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button