Chung tay đẩy lùi lừa đảo trên không gian mạng
(HNTTO) – Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong tháng 9 vừa qua, Bộ đã ghi nhận 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất. Trước thực trạng này, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sửdụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã khuyến cáo nhiều giải pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.
Thượng tá Phạm Công Hải, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05). (Ảnh: P.V)
Ghi nhận 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất được ghi nhận trong tháng 9 là giả mạo website (vụ lợi dụng sự kiện ra mắt của Apple, các đối tượng lập các website giảmạo, quảng cáo bán iPhone 15 với khuyến mãi hấp dẫn, đề nghị người mua đặt cọc tiền… hay giả mạo website nền tảng Ticketbox lừa đảo bán vé concert Westlife…); lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/file nén (các đối tượng thu thập và đánh cắp thông tin cá nhân của học sinh bằng những đường link “khảo sát”; phát tán mã giới thiệu ứng dụng siêu thị trực tuyến có chứa mã độc…); lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR (mã QR này dẫn tới các trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu người dùng nhập thông tin cá nhân, mã OTP hoặc tới các trang quảng cáo cờ bạc để cài mã độc vào thiết bị của người dùng).
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 của Bộ TT&TT vừa qua, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, riêng trong tháng 9, hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia đã ngăn chặn triệt để 441 website vi phạm pháp luật, lừa đảo trực tuyến. Cơ quan chức năng của Bộ TT&TT cũng đã liên tục giám sát, cảnh báo và tổ chức điều phối các doanh nghiệp ISP ngăn chặn các tên miền giả mạo, lừa đảo ngay khi phát hiện.
Bộ TT&TT khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng không quen biết; chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giảsẽ gần giống với tên các website thật, nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sửdụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk .tv… Người dùng cũng cần thận trọng trước khi quét QR Code, đặc biệt cảnh giác với các mã QR được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email…
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Tham dự buổi họp báo, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) Lê Văn Tuyên cho biết, trước tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng và tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, NHNN đã triển khai, chỉ đạo triển khai một số giải pháp như tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng.
Hiện NHNN đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ TT&TT để thực hiện kế hoạch phối hợp nhiều nội dung triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ làm sạch dữ liệu khách hàng, có thông tin nhận biết khách hàng để góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo tùy thân để mở tài khoản thanh toán. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại một số ngân hàng. NHNN dự kiến sẽphối hợp với Bộ TT&TT về phương án hỗ trợ các ngân hàng làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động.
Thượng tá Phạm Công Hải – Phó Trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo; mua bán thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ mục đích trái pháp luật, việc sử dụng các phần mềm lôi kéo người dân đánh bạc; hoạt động “tín dụng đen”, vay tiền nhanh… diễn biến phức tạp. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công an đã đề ra nhiều giải pháp, nhưng tình hình tội phạm công nghệ cao còn diễn biến phức tạp do các đối tượng lợi dụng thế mạnh của công nghệ thông tin; quá trình điều tra xử lý tốn nhiều thời gian, công sức.
Thượng tá Phạm Công Hải khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi từ điện thoại cốđịnh, tự xưng là cán bộ công an nhà nước yêu cầu điều tra các vụ án; không cung cấp địa chỉ, thông tin, sốđiện thoại, tài khoản ngân hàng của mình cho bất cứ đối tượng nào khi chưa xác minh được nhân thân, lai lịch của người đó.
Người dân cũng không nên mở các đường link, các tệp đính kèm trong thư, tin nhắn được gửi từ địa chỉkhông xác định. Nếu nhận được tin nhắn vay mượn tiền hoặc chuyển vào tài khoản của người thân, tin nhắn qua các ứng dụng OTP cần xác minh lại thông tin; kiểm tra lại thông tin website thực hiện các giao dịch trực tuyến – website chính thức của các tổ chức doanh nghiệp có đăng ký với các cơ quan sẽ được đánh dấu bằng hình thức ổ khóa bên cạnh các tên miền.
Người dân tuyệt đối không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân hoặc chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết. Nếu nghi ngờ trường hợp chiếm đoạt tài sản cần kịp thời thông báo về cơ quan công an để được hướng dẫn cách giải quyết.
T.Quyên
https://baophapluat.vn/chung-tay-day-lui-lua-dao-tren-khong-gian-mang-post490881.html#490881|home-highlight|0