Quảng Bình: Khi đất cằn “nở hoa”…
(HNTTO) – Trước đây, ở những vùng đất gò đồi khô cằn việc trồng cây gì cho phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế vẫn là bài toán đầy thách thức với nền nông nghiệp tỉnh Quảng Bình. Nhưng, với tư duy đột phá, dám mạnh dạn đầu tư, cùng với sự đồng hành của ngành Nông nghiệp, nhiều nông dân đã tiên phong “thay áo mới” cho những vùng đất gò đồi. Và, bài toán này nghiễm nhiên giải quyết được vấn đề bỏ hoang đất đai; đồng thời nâng cao thu nhập cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Đình Hòa chăm sóc vườn na của mình
Tai Eo Bù, ở thôn Phúc Sơn, xã Vạn Ninh huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), ông Ngô Đình Hòa (SN 1952) đang sở hữu một khu vườn rộng khoảng 5ha trồng nhiều loại cây ăn quả, như: Na Thái, ổi, bưởi da xanh…
Ông Hòa chia sẻ, trước đây, vùng đất này chỉ toàn những cây dại, đất trống, đồi trọc. Ngoài nhân lực của gia đình, ông còn phải thuê người dân địa phương lên phát cây, cuốc đất ở vùng đồi cằn cỗi này. Buổi đầu trồng bạch đàn nhưng kém hiệu quả, thu nhập không cao nên ông Hòa chuyển sang trồng cây trầm gió, nhưng kết quả không khá hơn. Năm 2018, ông Hòa quyết tâm thực hiện cuộc “cách mạng”, đưa một số cây ăn quả vào trồng ở vùng gò đồi.
Ông Ngô Đình Hòa giới thiệu với cán bộ khuyến nông tỉnh về hiệu quả của việc trồng na
Sau khi tìm hiểu về kỹ thuật trồng cây ăn quả nhiều nơi, trên báo chí, ông Hòa đã mạnh dạn đưa vào trồng hơn 200 cây na Thái, 300 gốc bưởi da xanh. Cùng thời gian đó, ông còn trồng xen hơn 500 cây ổi để lấy ngắn nuôi dài. Qua 5 năm, vườn cây ăn quả của gia đình ông Hòa đã “bén duyên” với vùng đất Eo Bù và trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Năm 2022, ông mạnh dạn mở rộng diện tích, trồng thêm 1.000 cây na Thái, trong đó có một nửa diện tích được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình.
“Hiện có hơn 300 cây na Thái đã cho thu hoạch, trung bình mỗi năm cho sản lượng khoảng 1 tấn với thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Để có cơ ngơi như hôm nay, gia đình tôi đã đầu tư rất nhiều công sức và tiền của vào khu vườn này. Đây chính là mồ hôi, nước mắt của gia đình, lao động ngày đêm cực khổ suốt nhiều năm. Nếu thuận lợi, vài năm nữa vườn cây của tôi có thể cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm…”, ông Hòa nhẩm tính.
Chị Lê Thị Lan Hương giới thiệu với cán bộ khuyến nông tỉnh về tính hiệu quả của việc trồng tre trúc
Gần ba năm trời, chị Lê Thị Lan Hương (SN 1973), xã Hòa Trạch (Bố Trạch) miệt mài đi lại giữa Quảng Bình và Bắc Giang để tìm mua giống tre lục trúc lấy măng, nhưng đều nhận được những cái lắc đầu không đồng ý bán của chủ vườn ở huyện Tân Yên. Lâu dần, biết tâm huyết của chị, chủ vườn cuối cùng đã lặn lội vào tận Quảng Bình để kiểm tra, thử chất đất, sau đó đồng ý bán giống tre lục trúc lấy măng cho chị Hương.
Theo chia sẻ của chị Hương, cơn bão năm 2013 đã đánh tan 2ha cây cao su-giấc mơ “vàng trắng” nơi vùng gò đồi xóm Bàng, xã Hòa Trạch. Gần 10 năm, đất vườn nhà chỉ dùng để trồng cây sắn, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Tìm cây trồng gì phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây luôn là bài toán, thách thức với chị.
Đầu năm 2022, chị Hương mạnh dạn đưa hơn 4.000 giống cây tre lục trúc lấy măng vào trồng thử nghiệm trên vùng gò đồi, trong đó Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình có hỗ trợ 1 phần kinh phí mua giống và phân bón. Sau hơn một năm triển khai, giờ hiển hiện nơi đây là màu xanh bền gan của cây tre và no ấm.
“Mới làm mô hình hơn một năm tôi đã thu hồi được vốn khoảng 700-800 triệu đồng, nhờ bán giống (120 nghìn đồng/cây giống) và sản phẩm làm ra được các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn TP. Đồng Hới đặt mua với mức giá 60-70 nghìn đồng/kg. Tiền bạc của gia đình tôi cũng bắt đầu “mọc” lên từ trong lòng đất…”, chị Hương cho hay.
Hiện nay, vườn tre lục trúc lấy măng của chị Hương đang cho thu hoạch, nhưng chị đang giữ nguồn giống để triển khai dự án trồng 21ha tre lục trúc lấy măng lại xã Lý Trạch và Nam Trạch với hơn 23.000 cây; đồng thời đang nghiên cứu mở rộng thị trường xuất bán giống và sản phẩm tre lục trúc trong nước và xuất khẩu ra các nước, như: Nhật Bản, Đức, Thái Lan…
Cuộc tái thiết, “thay áo mới” những vùng đất khô cằn đã và đang được nhiều nông dân bền bỉ, cần mẫn thực hiện nhằm phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững
Cuộc tái thiết, “thay áo mới” những vùng đất khô cằn đã và đang được nhiều nông dân bền bỉ, cần mẫn thực hiện nhằm phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Vùng gò đồi đầy cỏ hoang, giờ phủ đầy màu xanh hy vọng, trở thành “mỏ vàng” hái ra tiền. Và đó cũng đang là hướng đi đúng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng bền vững…
Giai đoạn 2024-2025 về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp toàn ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục định hướng chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiệu quả và khả năng cạnh tranh, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh..
Trần Phan Hoàng Anh
https://nhiepanhdoisong.vn/quang-binh-khi-dat-can-no-hoa-10846.html