Nở rộ ứng dụng đầu tư tài chính, quản thế nào?
(HNTTO) – Trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ, các mô hình quản lý tài chính chưa chính thống thông qua các ứng dụng (app) đầu tư vẫn đang nở rộ.
Nở rộ ứng dụng đầu tư tài chính, quản thế nào?
Trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong nước, hàng loạt mô hình quản lý tài chính, đầu tư thông qua ứng dụng di động (app mobile) đã xuất hiện để thu hút nhà đầu tư. Hàng loạt app đầu tư như Finhay, Infina, Save Now, Greenstock… đã ra đời trong giai đoạn này.
Mô hình hoạt động chính của các app mobile này là kêu gọi nhà đầu tư nộp tiền thông qua ứng dụng để mua chứng chỉ quỹ, hoặc ủy thác đầu tư nhận lãi suất từ ứng dụng, hoặc gửi tiết kiệm trên ứng dụng với lãi suất cao hơn nhiều lãi suất huy động của ngân hàng. Phần tiền người dùng ủy thác đầu tư sẽ được đội ngũ quản lý app mang đi đầu tư chứng khoán, chứng chỉ quỹ, vàng, ngoại hối (forex), thậm chí là đầu tư bất động sản.
Nhiều ứng dụng, một mô hình
Khác với các loại hình đầu tư truyền thống thường yêu cầu vốn khởi đầu cao và thủ tục phức tạp, việc đầu tư qua các app tài chính diễn ra dễ dàng và với số vốn nhỏ hơn rất nhiều, có thể chỉ từ vài chục nghìn đồng.
Như trường hợp của Finhay, ứng dụng thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Finhay Việt Nam thành lập năm 2017. Theo giới thiệu từ Finhay, app này không đưa ra bất kỳ lời chào mời đầu tư vào một sản phẩm tài chính cụ thể nào, mà chỉ cung cấp nền tảng công nghệ kết nối nhà đầu tư với các sản phẩm tài chính và quản lý tài chính cá nhân. Mọi quyết định về việc lựa chọn sản phẩm để tích lũy tài sản được thực hiện đơn phương bởi người dùng.
Theo đó, Finhay cho biết tài sản của người dùng sẽ được chuyển tới Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Thiên Việt theo hợp đồng quản lý danh mục đầu tư. Các sản phẩm kết nối đầu tư được app này đưa ra là đầu tư chứng chỉ quỹ với số vốn 50.000 đồng (tháng 6/2017) và đầu tư chứng khoán với số vốn chỉ 10.000 đồng (tháng 11/2021).
Theo Finhay, đến cuối năm 2021, đơn vị đã có hơn 2 triệu người dùng và là app mobile đầu tư – tích lũy cá nhân phổ biến nhất Việt Nam. Thậm chí, đến năm 2022, chủ quản app này còn mua lại cả Công ty Cổ phần Chứng khoán Vina (VNSC), đồng thời nhận rót vốn từ nhiều quỹ đầu tư như Openspace Ventures (OSV), VI Group…
Còn Infina, ứng dụng do Công ty Cổ phần Real Stake Fintech sở hữu, tự giới thiệu là ứng dụng đầu tư tích lũy dành cho mọi người với nhiều sản phẩm đầu tư đa dạng như đầu tư chứng khoán với vốn từ 10.000 đồng; mua chứng chỉ quỹ từ 100.000 đồng và gửi tích lũy từ 200.000 đồng với lãi suất 7,7-9,2%/năm…
Ứng dụng này cũng cho biết đã được nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới góp vốn như Sequoia; Combinator; Saigon Capital; Venturra; 1982 Ventures… Ngoài ra, Infina còn là đối tác của các quỹ Dragon Capital; công ty chứng khoán VietCap, Mirae Asset và công ty quản lý quỹ ACBC. Infina cho biết tiền của người dùng khi gửi vào sản phẩm tích lũy sẽ được chuyển qua công ty quản lý quỹ (ACBC) để đầu tư các sản phẩm tài chính với độ an toàn cao như gửi ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu…
Với SaveNow, đơn vị chủ quản là Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ viễn thông Việt Tín, tiền đầu tư của người dùng sẽ được chuyển đến các công ty quản lý quỹ có mặt trong hệ thống SaveNow theo tỷ lệ cụ thể. Phía SaveNow cho biết các quỹ này thực hiện quản lý và đầu tư vào các thị trường cổ phiếu, trái phiếu… Các sản phẩm đầu tư của SaveNow thậm chí còn được tích hợp trên app Viettel Money.
Ngoài ra, các app mobile quản lý tài chính, đầu tư khác như Greenstock, Fmarket, Tikop, Buff… đều vận hành với hình thức kể trên.
Theo giới chuyên gia, các app đầu tư kể trên đều là các fintech chứng khoán, nhưng hầu hết đều chưa có quy định pháp lý để kiểm soát cũng như điều chỉnh hoạt động của nhóm fintech này. Thậm chí, hiện nay cũng chưa có quy định nào để bảo vệ người dùng về rủi ro khi tham gia đầu tư thông qua các app tài chính này.
Quản lý thế nào?
Từ phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư cân nhắc kỹ trước khi đầu tư thông qua các app mobile.
Theo Ủy ban Chứng khoán, nhiều app đầu tư đã có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Do vậy, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích. Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư nên cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app mobile này. Đồng thời khẳng định nhà đầu tư chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các rủi ro có thể phát sinh khi đầu tư qua app.
Còn theo giới chuyên gia, mô hình hoạt động kinh doanh của các app đầu tư này đã đánh đúng “sơ hở” của đa số người dùng, đặc biệt là nhóm người dùng trẻ tuổi khi cho phép tham gia đầu tư với số vốn rất nhỏ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ khi đầu tư thông qua các app này. Như trường hợp mua chứng chỉ quỹ, nếu nhà đầu tư mua trực tiếp từ quỹ sẽ được bảo vệ theo quy định về quỹ đầu tư, nhưng nếu mua qua app, khi đó đối tác của nhà đầu tư sẽ là các app chứ không phải quỹ đầu tư.
Về việc một số app đầu tư hoạt động với mô hình huy động vốn thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng hoạt động này cũng chưa hẳn vi phạm quy định về huy động vốn. Cụ thể, hiện Luật Các tổ chức tín dụng quy định cá nhân, tổ chức không được huy động vốn của các cá nhân và tổ chức khác như hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với các hoạt động mang tính kinh doanh tiền tệ (gửi tiền và cho vay), không áp dụng chung với tất cả doanh nghiệp.
Tại Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 và pháp luật thuế đều cho phép cá nhân, pháp nhân có quyền nhận tiền gửi dưới các hình thức vay vốn khác nhau.
Về mô hình hoạt động của các app đầu tư nói chung, ông Đàm Thanh Hiệp, Founder kiêm CEO New World Group VN, cho biết các mô hình app đầu tư không mới trên thế giới. Tại các thị trường tài chính phát triển như Mỹ, châu Âu, các fintech chứng khoán khá phổ biến nhưng đều có khuôn khổ pháp lý để quản lý, thu thuế, cũng như bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Theo ông, các app đầu tư trong nước hiện cũng hoạt động theo mô hình quốc tế, nhưng chỉ số ít công khai được danh mục đầu tư với người dùng, còn lại đa số là nói chung chung, kết nối tiền nhà đầu tư tới thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ… Tại Việt Nam, ông Hiệp cho biết hiện vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý cụ thể để quản lý các mô hình này. Thậm chí, hiện cũng chưa có cơ quan Nhà nước nào được chỉ định là đơn vị quản lý các app đầu tư, chủ yếu vẫn là liên quan vấn đề nào thì hỏi cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực đó. “Cơ quan quản lý chứng khoán hiện nay cũng chỉ đưa ra cảnh báo cẩn trọng khi đầu tư qua các app, chứ cũng chưa khẳng định là sẽ cấm hay siết hoạt động”, ông Hiệp nói. Theo vị chuyên gia này, với các mô hình đầu tư mới, sẽ chưa thể có khuôn khổ pháp lý ngay, nhưng cũng không thể tuyên bố là sẽ mở cửa để phát triển ồ ạt không có kiểm soát. “Cái gì mới cũng cần thời gian tích lũy, thử nghiệm dần dần để đánh giá tác động. Với các sản phẩm tài chính mới, cơ quan quản lý không thể nói là cấm khi chưa hiểu rõ mô hình, cũng không thể thả cửa cho phát triển ồ ạt, dễ gây hệ lụy cho nền kinh tế”, CEO New World Group VN nhấn mạnh. Về dài hạn, ông Hiệp cho rằng cần có khuôn khổ pháp lý để đưa ra những thử nghiệm quản lý các mô hình mới này. Theo ông, để thị trường tài chính trong nước phát triển, việc thử nghiệm các mô hình mới là rất quan trọng. Tuy nhiên, cần sớm có khuôn khổ pháp lý để quản lý hoạt động cũng như đảm bảo lợi ích 3 bên là Nhà nước thu đúng và đủ tiền thuế, doanh nghiệp được hoạt động đúng pháp luật và nhà đầu tư được bảo vệ quyền lợi. |
Quang Thắng
https://vietnamfinance.vn/no-ro-ung-dung-dau-tu-tai-chinh-quan-the-nao-20180504224288358.htm