Gia tăng ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu cho nông sản xuất khẩu
(HNTTO) – Với xu thế công nghiệp hóa, Việt Nam sẽ giảm diện tích trồng trọt dẫn tới giảm sản lượng. Nhưng Việt Nam hoàn toàn có triển vọng đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD rau quả vào năm 2030. Đây là bài toán của việc gia tăng khoa học công nghệ, chế biến sâu để tăng kim ngạch xuất khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%, lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại họp báo của Bộ NN&PTNT ngày 3/7, ông Triệu Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, 6 tháng đầu năm, tuy sản lượng khai thác gỗ tăng nhưng giá trị xuất khẩu lại giảm.
Nguyên nhân của tình trạng trên là ngành nông nghiệp, đặc biệt là thị trường xuất khẩu NLTS (chủ yếu đối với mặt hàng gỗ và thuỷ sản) gặp không ít khó khăn.
Lạm phát tăng cao khiến nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu trọng yếu giảm. Cùng với đó là hoạt động điều tra chống phá giá, lẩn tránh thuế của Mỹ với một số mặt hàng xuất khẩu NLTS và một số các khó khăn về cơ chế như tín dụng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm 2023 giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp vẫn còn mảng sáng là lĩnh vực trồng trọt.
Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt kỳ vọng Việt Nam hoàn toàn có triển vọng đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD rau quả vào năm 2030.
“Hiện nay, với xu thế công nghiệp hóa, Việt Nam sẽ giảm diện tích trồng trọt, đồng nghĩa với việc giảm đi sản lượng. Nhưng Việt Nam hoàn toàn có triển vọng đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD rau quả vào năm 2030.
Đây là bài toán của việc gia tăng khoa học công nghệ, chế biến sâu để tăng kim ngạch xuất khẩu”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, gia tăng đa dạng hóa sản phẩm nông sản không chỉ là xuất khẩu thô, các mặt hàng đông, khô mà có thể là các mặt hàng dược liệu, mỹ phẩm. Đây là cửa ngõ hoàn toàn rộng mở cho Việt Nam.
Theo ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các nước ASEAN và ngành nông nghiệp trên thế giới rất quan tâm vấn đề an ninh lương thực.
“Lâu nay người dân vẫn quan niệm năm nhuận thì năng suất lúa gạo sẽ giảm nhưng năm nay không xảy ra vì Cục Trồng trọt đã đúc kết kinh nghiệm, hướng dẫn bà con các kỹ thuật. An ninh lương thực không chỉ cho đất nước, khu vực mà còn cho thế giới”, ông Tiến nói.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, vẫn còn hàng nghìn tỷ USD ngành gỗ đang chưa được hoàn thuế. Đây là nút thắt rất quan trọng đối với ngành lâm nghiệp.
Những khó khăn, thách thức từ tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu, dịch bệnh, thời tiết diễn biến bất thường sẽ tác động đến sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi ngành nông nghiệp và lâm nghiệp phải tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức.
Để thúc đẩy thị trường xuất khẩu NLTS, ngành nông nghiệp cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Hà Anh
https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/gia-tang-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-che-bien-sau-cho-nong-san-xuat-khau/20230703123801054