Nghiên cứu trao đổi

Sa Đéc nổi tiếng nghề làm bột gạo

(HNTTO) – Sa Đéc là một thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp, một trong những nơi đẹp nhất ở miền Tây Nam Bộ. Nơi đây nổi tiếng với vùng trồng hoa lớn nhất khu vực phía Nam của cả nước và nhiều điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước. Tất nhiên, khi đến đây cũng không nên bỏ lỡ những đặc sản Sa Đéc nổi tiếng xa gần. Không mấy ai biết nơi đây có làng nghề làm bột gạo nổi tiếng hơn 100 năm tuổi.

Dây chuyền đóng gói hủ tiếu Sa Đéc xuất khẩu lấy nguyên liệu chính từ bột Sa Đéc lấy nguyên liệu chính từ bột Sa Đéc

Với một vùng đất phì nhiêu, giàu có về lúa gạo nên Nam Bộ được nhân dân cả nước mến yêu gọi là “vựa lúa” của đất nước. Phụ nữ miền Nam vốn cần cù, chịu khó, khéo tay hay làm nên sẵn gạo, nếp đã làm ra bột và chế biến nên nhiều thứ bánh khác nhau. Một trong những nơi làm ra bột và những sản phẩm từ bột danh tiếng nhất vùng từ lâu, đó là Sa Đéc. Người ta không biết rõ đích xác nghề làm bột ở đây đã ra đời vào ngày, tháng, năm nào, người khai sáng ra nó là ai nhưng từ đời này sang đời khác đều truyền miệng nhau là nghề bột ở Sa Đéc đã có hàng trăm năm nay.

Nằm bên dòng Sa Giang hiền hòa, làng bột Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) nức tiếng nhờ chất lượng vượt trội và hương vị đặc trưng riêng biệt.

Xóm bột đầu tiên ra đời ở Sa Đéc nằm tại xã Tân Phú Đông, về sau lan ra ở phường 2, phường 3, Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, An Hòa, Tân Quy Tây… Ban đầu, với cách làm thủ công đơn giản, nhiều cơ sở không phải thuê mướn nhân công mà bắng sức lao động của người thân trong gia đình. Gạo, nếp là nguyên liệu chính được thu mua từ những nông dân tay lấm chân bùn ở trong làng hoặc những nơi lân cận. Nguồn nước để làm bột sẵn có dồi dào ở sông Tiền, sông Sa Đéc nước ngọt quanh năm, không nhiễm phèn bị chua, lợ… chính yếu tố này đã làm cho làng bột Sa Đéc trắng phau, mịn nhuyễn mà không nơi đâu sánh kịp.

Cối xay thủ công có tuổi đời hơn 100 năm được người dân gìn giữ khá cẩn thận

Hiện làng nghề có gần 350 hộ sản xuất bột với hơn 2.000 lao động chủ yếu ở phường 2, xã Tân Quy Tây và Tân Phú Đông, mỗi năm cung ứng cho thị trường 30.000 tấn bột gạo. Ở đây, có những gia đình đã trải qua 3-4 đời làm nghề bột.

Trước đây, các hộ gia đình làm hàng theo phương pháp thủ công, xay bột bằng cối đá. Phải mất cả ngày mới xong hết các công đoạn nên sản lượng và chất lượng bột chưa được đảm bảo. Trong những năm gần đây, người dân đã đưa cơ giới hoá quy trình sản xuất nên vừa giảm được công lao động, hạ giá thành sản phẩm, vừa nâng cao sản lượng và uy tín chất lượng của thương hiệu bột Sa Đéc.

Khu trưng bày những dụng cụ, công cụ sản xuất bột từ thời xa xưa giúp mọi người tới thăm có điều kiện trải nghiệm và hiểu thêm về quá trình phát triển của làng bột trăm tuổi này

Công đoạn đầu tiên của quy trình làm bột là vo gạo, làm sạch các tạp chất, bụi bẩn bám xung quanh hạt gạo tấm. Tiếp đến, hạt gạo sau khi được làm sạch xong sẽ được đưa qua máy nghiền để giã nhuyễn, tạo ra bột gạo lỏng màu trắng sữa đẹp mắt. Bột gạo lỏng sau đó được đưa vào cối ly tâm để tách nước, làm khô, tạo thành những mảng bột trắng ngần. Sau đó, bột khô tiếp tục được đưa vào cối đánh tơi cho thật mịn, thật nhuyễn, rồi cuối cùng mới được đưa vào thùng lắng lọc. Ở giai đoạn cuối này, vai trò đặc biệt của nước sông Sa Đéc mới được phát huy. Nước sông, sau khi được bơm lên và lắng phèn sẽ hòa cùng bột đánh tơi trong thùng lắng lọc. Lúc này, theo bí quyết gia truyền, người làm bột cho thêm vào bể một xô nước nhờn, được xay và lược ra từ lá bông dâm bụt nay nhờ áp dụng khoa học người dân sử dụng chất trợ lắng carrageenan được chiết xuất từ tảo biển. Đây là loại phụ gia tuyệt đối an toàn với sản xuất thực phẩm giúp cho tỉ lệ thu hồi bột cao hơn, trắng mịn và không tồn dư kim loại nặng.

Sau thời gian ngâm vài tiếng, hỗn hợp này từ từ biến đổi, các tạp chất, phụ phẩm chìm xuống dưới đáy bể, trong khi phần tinh bột thuần khiết lại nổi lên trên. Tùy theo cách làm của mỗi lò ở công đoạn này mà chất lượng thành phẩm sẽ khác nhau. Sau khi đã thu được bột tươi – loại được dùng cung cấp cho các lò hủ tiếu, lò mì để làm hủ tíu, mì tươi – người làm bột Sa Đéc còn sản xuất ra bột khô để có thể đóng gói, chuyển đi bán cho các nhà máy, xí nghiệp làm bánh, nui, các loại sợi… Quy trình làm bột khô đòi hỏi người làm bột phải thêm vào công đoạn phơi bột, cũng gian nan và vất vả không kém.

Phương pháp phơi bột phải phủ lên lớp giấy để bột đẹp màu và mau khô

Người làng nghề ví việc phơi bột như “chăm con mọn”, vì sự vất vả, tỉ mỉ của công đoạn này. Bột tươi sau khi thành phẩm trong bồn chứa, để qua đêm rồi mới được “bẻ” thành từng miếng lên liếp và đưa ra giàn phơi dưới trời nắng gắt cho thật khô. Công việc này nghe qua có vẻ đơn giản nhưng thực chất lại đòi hỏi rất nhiều công sức và kiên nhẫn. Cái khó nhất là canh nắng mưa. Mỗi khi thấy trời chuyển mưa một xíu là tui phải gom bột vô, không thôi để mưa ướt thì bột sẽ bị mốc, không bán được, rồi tới khi trời nắng lại lấy bột ra phơi.

Công đoạn cuộn các sợi hủ tiếu thành phẩm để đem phơi khô

Thực phẩm được chế biến từ bột Sa Đéc dai mà mềm, thơm ngon đặc trưng. Hiện nơi đây là đầu mối cung ứng bột cho các tỉnh miền Tây, TP.HCM, miền Đông Nam Bộ, xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và một số nước châu Âu.

Đến nay, thị trường tiêu thụ bột gạo ngày nay đã phát triển rất nhiều, các nhà máy chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh tiêu thụ bình quân 80-90 tấn bột tươi mỗi ngày để làm ra các sản phẩm ăn liền như: mì, hủ tiếu, phở, bánh canh, cháo… Ngoài ra, bột Sa Đéc còn sản xuất ra bột khô để có thể đóng gói, chuyển đi bán cho các nhà máy, xí nghiệp làm bánh, nui, các loại sợi được cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Kỷ lục Gines Việt Nam vừa xác lập kỷ lục 102 món ăn và bánh dân gian được làm từ bột gạo. Theo nhiều tài liệu ghi lại, người dân Sa Đéc ngoài việc cung cấp bột để làm ra các loại bánh ăn chơi như bánh xèo, bánh khọt, bánh chuối, bánh da lợn, bánh gói… còn sản xuất nhiều loại bánh phở, bánh hủ tiếu… Trong đó, hủ tiếu Sa Đéc và bánh phồng tôm đã nổi tiếng khắp nơi xa gần không những trong nước mà còn ra đến ngoài nước.

Trước đây, các hộ gia đình làm hàng theo phương pháp thủ công nay đã được cơ giới hóa

Theo thống kê, hàng năm, nghề làm bột cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước trên 50.000 tấn bột các loại, gồm bột ướt và bột khô, có trên 70 sản phẩm được chế biến sau bột như hủ tiếu, phở, bột bánh xèo, nui,… Kèm theo đó, làng nghề này cũng tạo được nguồn phụ phẩm để phục vụ cho việc chăn nuôi lợn tăng thêm thu nhập và tạo việc làm cho trên 1.000 lao động tại địa phương.

Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng với nhiều yếu tố tự nhiên thuận lợi, hơn một thế kỉ qua, con người nơi đây đã tạo nên sản phẩm bột gạo mang những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp, góp phần lưu giữ và phát huy một làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất vùng.

Hơn 100 món ăn và loại bánh được làm từ bột gạo được Kỷ lục Việt Nam chứng nhận.

Hơn 100 năm hình thành và phát triển, làng nghề bột đã trở thành một trong những điểm nhấn của thành phố Sa Đéc, sản phẩm từ bàn tay của các nghề nhân làng bột đã đi vào lòng du khách gần xa.

Ninh Ngọc

https://langngheviet.com.vn/sa-dec-noi-tieng-nghe-lam-bot-gao-27818.html

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button