Nghiên cứu trao đổiTiền số

Ông Hoàng Thanh Quý – CVP Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC): Hành vi lừa đảo bằng hình thức đầu tư tiền ảo có thể bị phạt tù chung thân

(HNTTO) – Câu chuyện tiền mất tật mang, gia đình tan nát khi tham gia các sàn tiền ảo không còn là chuyện mới ở Việt Nam. Trong thời gian gần đây, lại xuất hiện tình trạng có nạn nhân bị lừa đảo thông qua hình thức đầu tư tiền ảo, số tiền bị mất lên đến hàng tỉ đồng.

Công an huyện Bố Trạch phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Bình triệt phá đường dây hoạt động của một số đối tượng kêu gọi huy động đầu tư vào sàn Forex FVP Trade (ủy thác đầu tư tiền ảo) trên địa bàn huyện Bố Trạch. 

Điển hình, về câu chuyện của anh V.T.T và chị Đ.T.B vẫn chưa hết bàng hoàng. Thông qua mạng Internet, khoảng tháng 12/2019, anh T và chị B quen biết với hai người đàn ông là T.T. D (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) và N.V.Q (trú tại Hải Phòng). Sau đó, D và Q giới thiệu về dự án giao dịch ngoại hối qua một ngân hàng của Malaysia và sàn giao dịch ngoại hối TLC có trụ sở tại Hồng Kông. Sau khi được giới thiệu, anh T và chị B đã đến dự hội thảo, giới thiệu về mô hình kinh doanh ngoại hối được tổ chức tại một toà nhà trên đường Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.Tại đây, họ gặp một người đàn ông tên là N.Đ.B (trú tại Hà Nội), tự giới thiệu là đã mang dự án IBH về Việt Nam. Tại các buổi hội thảo sau đó, có xuất hiện của một số người nước ngoài, trong đó có người tự xưng là chủ tịch IBH; em trai cựu Thủ tướng của một đất nước; là cựu giám đốc của một ngân hàng tại Thái Lan và Singapore…Tại hội thảo, người đàn ông tên N.Đ.B đã giới thiệu với anh T và chị B, về các gói đầu tư IBH với lãi suất từ 10-15%/tháng; hoa hồng hệ thống tính theo cấp độ F0:5%; FT: 3%; F2: 29%; hoa hồng doanh số. Để tham gia, người chơi cần phải mua tiền mã hoá USDT và gửi đến ví chỉ định hoặc mua lại tiền nội bộ trong hệ thống.

Chia sẻ về vấn đề này, Ông Hoàng Thanh Quý – CVP Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho rằng thực tế, chiêu thức dụ dỗ các nạn nhân đầu tư tiền ảo sau đó chiếm đoạt tài sản đã xảy ra khá nhiều trong thời gian qua. Dù các cơ quan như công an, báo, đài liên tục có thông tin, khuyến cáo về những vụ việc lừa đảo trên nhưng vẫn có người dân bị mắc bẫy do thiếu hiểu biết, ham lợi nhuận cao…Bất chấp những cảnh báo từ các cơ quan chức năng về rủi ro bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là giao dịch bất hợp pháp và có thể bị xử lý hình sự…nhiều loại tiền ảo mới vẫn tiếp tục được quảng bá, mời gọi nhà đầu tư bỏ tiền mua.

Theo tìm hiểu, tất cả các loại tiền ảo tại Việt Nam hiện chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công nhận. Do đó, mọi vấn đề phát hành hay lưu hành tiền kỹ thuật số tại Việt Nam đều không phù hợp pháp luật Việt Nam. Vì vậy, những người bỏ tiền ra mua các đồng tiền ảo sẽ không được Nhà nước bảo hộ nên trong trường hợp có rủi ro thì nguy cơ mất trắng rất cao

Ông Hoàng Thanh Quý cho hay về phần người bán thì đang vi phạm pháp luật, bởi Ngân hàng Nhà nước chưa cho lưu hành. Nếu như trong trường hợp người bán sử dụng đồng tiền này vào mục đích khác như: chuyển tiền ra nước ngoài thì không có sự can thiệp của Nhà nước. Tuy nhiên, trong trường hợp mà không trả lại được nhà đầu tư thì rõ ràng là có dấu hiệu gian dối. Mặt khác, nếu người bán mà sử dụng tiền của nhà đầu tư vào mục đích cá nhân thì đó là hành vi chiếm đoạt. Bởi người mua bỏ tiền ra nhưng đồng tiền lại không đảm bảo được theo pháp luật Việt Nam”.

Dưới góc nhìn pháp lý, Ông Hoàng Thanh Quý dẫn chứng theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012), tiền ảo không phải là phương thức được phép thanh toán trên thị trường. Qua đó, ngày 21-7-2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Công văn 5747 gửi Văn phòng Chính phủ một lần nữa khẳng định tiền ảo, bitcoin, litecoin…không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

Ông Hoàng Thanh Quý cho biết việc lừa đảo thông qua đầu tư tiền ảo về phương thức, bản chất vẫn là vẽ lên một dự án hứa hẹn tỉ suất sinh lời rất cao, sau đó huy động vốn theo mô hình ponzi (lấy tiền của người sau trả cho người trước). Với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi nhưng tựu trung vẫn phải nạp tiền trước, được chiết khấu số tiền nhỏ và hứa hẹn lãi khủng sau này. Vòng xoáy ponzi này chỉ dừng lại khi nhà đầu tư không còn tiền để theo tiếp hoặc dự án bị phát hiện lừa đảo. Đối tượng lừa đảo lúc này ngay lập tức sẽ đóng dự án, xóa ứng dụng… Sau đó lại vẽ lên dự án mới để tiếp tục lừa đảo.

Có thể thấy, bằng công thức chung này được lặp đi lặp lại từ siêu dự án bất động sản, sàn vàng, đầu tư ngoại hối, siêu dự án kinh doanh…Chỉ cần cả tin và ham lợi nhuận cao, bất kỳ ai cũng sẽ dễ dàng sập bẫy. Ông Hoàng Thanh Quý cho rằng hiện tại tiền ảo vẫn chưa được công nhận và bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam, vậy nên khi đầu tư tiền ảo,các nhà đầu tư phải chịu toàn bộ rủi ro nếu gặp lừa đảo hoặc thua lỗ. Người dân cần tìm hiểu nguyên tắc nằm lòng là sự đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận. Bên cạnh đó, các yếu tố quan trọng khi quyết định đầu tư là số tiền đầu tư, khả năng sinh lời, thời gian hoàn vốn và mức độ rủi ro. Bất kỳ dự án nào ít rủi ro, cam kết lợi nhuận theo ngày hoặc tuần, tỉ suất sinh lời hơn 25%/năm thì chắc chắn có vấn đề.

Hiện tại, các hình thức đầu tư trực tiếp vào các dự án (invest) bằng cách mua đồng token của dự án;giao dịch mua đi bán lại (trading) thông qua các sàn. Người dân nên cẩn trọng khi nghe theo các lời khuyên, tư vấn hoặc mời gọi sử dụng các app lạ về đầu tư tiền ảo. Ông Hoàng Thanh Quý dẫn chứng thêm theo điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019 (sửa đổi bởi điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021), hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt 50-100 triệu đồng. Nếu mức độ vi phạm nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, mức phạt tù lên đến 20 năm. Ngoài ra, theo Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì khi thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khung hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân.

Trần Danh – Thanh Tuyền

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button