TIẾN SĨ LÊ ÁNH DƯƠNG – PGĐ CN MIỀN TRUNG – TÂY NGUYÊN VIỆN IMRIC THAM LUẬN TẠI TOẠ ĐÀM “ĐỐI THOẠI CHUYÊN SÂU TƯ VẤN, GIẢI ĐÁP VƯỚNG MẮC PHÁP LUẬT CHO DN NHỎ VÀ VỪA” 2023
(HNTTO) – Trong khuôn khổ các hoạt động được thực hiện dưới sự hỗ trợ pháp lý liên ngành cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2021 – 2025 (Bộ Tư pháp), Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Khoa học Chính sách và Pháp luật (ILPS) sẽ tổ chức Tọa đàm khoa học ““Đối thoại chuyên sâu tư vấn, giải đáp vướng mắc pháp luật cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2023” vào ngày 16/06/2023 tại TP.HCM. Theo đó, Tiến sĩ Lê Ánh Dương – Phó giám đốc Chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên sẽ có bài tham luận, cụ thể sau:
Giải quyết yếu tố vốn để doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tồn tại, phát triển – Những lưu ý giúp DN hạn chế rủi ro khi vay vốn từ ngân hàng
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia, kể cả các nước có trình độ phát triển cao. Ở Việt nam, các DNNVV chiếm 98% số doanh nghiệp (khoảng 700.000 doanh nghiệp), cung cấp việc làm cho 78% lực lượng lao động và đóng góp 49% vào GDP, và 41% tổng thu ngân sách.
Tuy nhiên, hoạt động của các DNNVV gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mỗi tháng có khoảng 7000 doanh nghiệp đóng cửa, trong đó chủ yếu là DNNVV. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các DNNVV Việt Nam có năng lực quản trị tài chính yếu: quy mô nhỏ, khả năng huy động vốn còn hạn chế, đầu tư vào tài sản cố định và đầu tư dài hạn còn ít, khả năng quản trị vốn còn nhiều bất cập, khả năng sinh lời thấp.
- Thực trạng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của DNNVV hiện nay
Trao đổi với các chủ DNNVV cho thấy các chủ doanh nghiệp có kỹ năng và năng lực cao đối với các sản phẩm và dịch vụ của họ, nhưng họ lại thiếu nhiều kỹ năng để quản trị doanh nghiệp hiệu quả, đặc biệt về quản trị tài chính. Nhiều chủ doanh nghiệp không trực tiếp hoặc không muốn trực tiếp liên quan đến hoạt động quản trị tài chính của doanh nghiệp. Điều này có thể do chủ doanh nghiệp quá bận rộn với các hoạt động khác của doanh nghiệp như sản xuất, tìm kiếm thị trường, quản trị nhân sự, hoặc không có kiến thức (hoặc mối quan tâm) về các hoạt động tài chính và quản trị tài chính. Họ dựa nhiều vào bộ phận kế toán của mình, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có bộ phận kế toán riêng. Rất nhiều DNNVV thuê kế toán bên ngoài để lập sổ sách kế toán của doanh nghiệp, và các sổ sách này chủ yếu phục vụ kế toán thuế.
Một trong những rào cản lớn nhất cho sự phát triển của các DNNVV là thiếu vốn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu vốn đã đành nhưng các doanh nghiệp đã hoạt động cũng thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tốt, lợi nhuận cao nhưng vẫn thiếu vốn. Vốn là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại cho một DNNVV.
Hiện nay, hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào hai nguồn vốn: Nguồn vốn chủ sở hữu (nguồn vốn bên trong doanh nghiệp) và nguồn Nợ phải trả (nguồn vốn từ bên ngoài). Tương ứng với mỗi nguồn vốn có những cách thức huy động vốn khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn.
Các DNNNV gặp nhiều hạn chế về tăng trưởng hơn các doanh nghiệp lớn; quy mô nhỏ khiến các doanh nghiệp này khó tiếp cận thị trường, nguồn vốn và nguồn lao động. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khó khăn trong việc tiếp cận vốn là một trong những rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng của các DNNVV. Nếu được tiếp cận vốn từ ngân hàng, các doanh nghiệp có thể đầu tư mở rộng sản xuất, tăng năng suất, phát triển thị trường và tạo thêm việc làm.
- Những lưu ý giúp DN tránh rủi ro khi vay vốn hỗ trợ từ ngân hàng?
Trước đây, việc tiếp cận vốn tín dụng của các DNNVV rất hạn chế. Một vấn đề của các DNNVV là sự thiếu minh bạch về thông tin. Các báo cáo tài chính của các DNNVV thường không đồng nhất, không được kiểm toán và độ tin cậy không cao. Các DNNVV cũng không có nhiều kinh nghiệm trong việc lập báo cáo kinh doanh, quản trị dòng tiền. Điều này khiến việc thu thập thông tin về các DNNVV rất khó khăn và tốn kém. Với quy mô nhỏ, các DNNVV cũng có thể không có đủ tài sản thế chấp cho các khoản vay. Vì lẽ đó, các tổ chức tài chính có thể không muốn cho các DNNVV vay do giá trị các khoản vay thường nhỏ do quy mô, hiệu quả tín dụng thấp trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các Ngân hàng Thương mại (NHTM) đã quan tâm nhiều hơn đến tín dụng cho DNNVV và cung cấp nhiều khoản vay ưu đãi hơn cho đối tượng khách hàng này. Xu hướng cho vay đối với DNNVV cũng được dự báo là xu hướng phát triển của các NHTM trong thời gian tới. Dù cánh cửa vay vốn đã mở rộng nhưng không đồng nghĩa với tất cả các DNNVV đều có thể vay vốn. Các DNNVV cũng cần hiểu được rằng các NHTM cũng gặp rất nhiều khó khăn khi cho DNNVV vay. 90% các doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại nên việc cho vay DNNVV vốn dĩ đã rất rủi ro. Thêm vào nữa, việc thu thập thông tin từ các DNNVV rất khó khăn tốn kém. Các DNNVV lại không có nhiều tài sản thế chấp cho các khoản vay. Điều này khiến cho các NHTM dù muốn nhưng vẫn còn nhiều rào cản trong việc cấp tín dụng DNNVV. Vì vậy, các DNNVV cũng cần có chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để đi vay (về thông tin, về sổ sách…) và có thái độ hợp tác với ngân hàng. Xét cho cùng, đây là cuộc chơi mà cả hai bên đều có lợi. Ngoài ra, việc sử dụng vốn vay cũng sẽ có các rủi ro nhất định. Vốn vay sẽ làm tăng khả năng sinh lời của doanh nghiệp khi doanh nghiệp làm ăn tốt. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp làm ăn không tốt, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi vay và hoàn trả vốn gốc. Điều này có thể khiến tình hình của doanh nghiệp trầm trọng hơn. Hơn nữa, trong thời kỳ kinh tế tốt, các tiêu chuẩn cho vay có xu hướng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong thời điểm kinh tế khó khăn, ngân hàng có thể thắt chặt các điều khỏan cho vay. Các chủ DNNVV đang tìm kiếm các khoản vay vốn lưu động có thể phải cầm cố tài sản cá nhân làm tài sản thế chấp cho khoản vay. Ngay cả sau khi Ngân hàng thực hiện một khoản vay, các điều khoản cho vay cho phép ngân hàng định kỳ đánh giá giá trị thị trường của tài sản thế chấp. Nếu giá trị thị trường giảm, ngân hàng có thể yêu cầu người vay phải cầm cố thêm tiền mặt hoặc tài sản thế chấp.
Vì vậy, doanh nghiệp cần quản lý các khoản vay một cách khôn ngoan và có các biện pháp để giảm thiểu rủi ro khi vay: Doanh nghiệp cần theo dõi dòng tiền ra vào doanh nghiệp để đảm bảo khả năng trả vốn và lãi vay; Sử dụng vốn vay đúng mục đích Không nên đi vay từ quá nhiều nguồn để có thể kiểm soát được các khoản vay; Cần xây dựng mối quan hệ tốt với ngân hàng để có thể được hưởng các ưu đãi về lãi suất, ân hạn, đàm phán các điều kiện vay vốn khi kinh tế khó khăn…;Tận dụng các hỗ trợ, tư vấn tài chính từ ngân hàng. Các ngân hàng cũng không muốn doanh nghiệp không trả được nợ, vì vậy, họ có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính giúp quản trị rủi ro trực tiếp trên khoản vay.
Các quy định pháp luật về huy động vốn điều lệ. Một số rủi ro pháp lý cần lưu ý và giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp
- Khái niệm vốn điều lệ
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần (Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020).
Vốn điều lệ do những người tham gia doanh nghiệp đóng góp và được ghi vào điều lệ doanh nghiệp.
Vốn điều lệ là lượng vốn mà doanh nghiệp phải có và được phép sử dụng theo điều lệ. Doanh nghiệp phải đăng kí vốn điều lệ với cơ quan có thẩm quyền và phải công bố cho công chúng. Đối với những doanh nghiệp có quy định vốn pháp định thì vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ nhưng trong mọi trường hợp không được tự ý giảm vốn điều lệ xuống thấp hơn vốn pháp định. Khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ đến mức tài sản của doanh nghiệp thấp hơn vốn điều lệ thì phần thua lỗ có thể được chuyển cho năm tài chính tiếp theo hoặc giảm vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì vốn pháp định đồng thời cũng là vốn điều lệ.
Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi trong Điều lệ công ty.
Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty.
Đối với doanh nghiệp, vốn điều lệ là:
– Sự cam kết mức trách nhiệm bằng vật chất của các thành viên với khách hàng, đối tác, cũng như với doanh nghiệp;
– Vốn đầu tư cho hoạt động của doanh nghiệp;
– Cơ sở để phân chia lợi nhuận cũng như rủi ro trong kinh doanh đối với các thành viên góp vốn.
- Đặc điểm của vốn điều lệ
Vốn điều lệ có một số đặc điểm sau:
– Vốn điều lệ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là vốn do các thành viên, cổ đông cam kết góp trong một thời hạn nhất định
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì thời hạn để thực hiện việc góp vốn đối với các loại hình doanh nghiệp là không thống nhất. Đối với loại hình công ty cổ phần, người tham gia góp vốn có thời hạn 90 ngày để hoàn thành việc góp vốn; trong khi đó, thời hạn này đối với loại hình trách nhiệm hữu hạn là 36 tháng. Điều này đã làm phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có trong nội bộ công ty như: nhầm lẫn về vốn điều lệ, nhầm lẫn về cơ cấu sở hữu,.v.v…
Nhằm khắc phục vấn đề nêu trên, Luật Doanh nghiệp đã quy định thống nhất về thời hạn góp vốn điều lệ đối với các loại hình doanh nghiệp. Theo đó, thành viên, cổ đông phải thanh toán phần vốn góp, số cổ phần cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết/đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên, cổ đông chưa góp hoặc chưa góp đủ phần vốn điều lệ theo cam kết chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn đã cam kết góp đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ đối với công ty TNHH và trong thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua đối với công ty cổ phần.
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn thành lập trước ngày 01/7/2015, thời hạn góp vốn thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty.
– Vốn điều lệ có thể được hình thành từ nhiều loại tài sản khác nhau
Luật Doanh nghiệp đã quy định cụ thể các loại tài sản được sử dụng để góp vốn vào công ty. Theo đó, tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Riêng đối với quyền sở hữu trí tuệ, Luật cũng quy định rõ quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.
- Vai trò cơ bản của vốn điều lệ trong công ty
Một trong những ý nghĩa lớn nhất của vốn điều lệ là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp hay sở hữu cổ phần của thành viên, cổ đông trong công ty. Thông qua đó làm cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông trong công ty.
Cụ thể, thành viên, cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ một số trường hợp quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Đồng thời, Luật Doanh nghiệp cũng quy định thành viên, cổ đông có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp cũng như được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, vốn điều lệ cũng là một trong những cơ sở để xác định điều kiện kinh doanh đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Ví dụ: Theo quy định tại Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 thì tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã và phải có vốn điều lệ không được thấp hơn 20 tỷ đồng. Hoặc theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thì một trong các điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ là phải có mức vốn điều lệ tối thiểu là 100 tỷ đồng.
Vốn điều lệ còn là sự cam kết mức trách nhiệm bằng vật chất của các thành viên với khách hàng, đối tác, cũng như đối với doanh nghiệp tương đương.
- Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ
4.1. Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ trong công ty TNHH hai thành viên trở lên
– Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
+ Tăng vốn góp của thành viên;
+ Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
+ Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;
+ Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 51 của Luật này;
+ Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020.
(Khoản 1 Điều 47, Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020)
4.2. Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên
– Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
+ Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty;
+ Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 75 của Luật Doanh nghiệp 2020.
(Khoản 1 Điều 75, Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020)
4.3. Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần
– Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
– Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cồ phần.
Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau đây:
+ Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
+ Chào bán cổ phần riêng lẻ;
+ Chào bán cổ phần ra công chúng.
– Công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
+ Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
+ Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật Doanh nghiệp 2020;
+ Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 của Luật Doanh nghiệp 2020.
(Khoản 1, 5 Điều 112, Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020)
4.4. Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty hợp danh
– Vốn điều lệ của công ty hợp danh là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty hợp danh.
– Công ty hợp danh có thể tăng vốn điều lệ thông qua việc tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn.
– Công ty hợp danh có thể giảm vốn điều lệ thông qua việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.
- Góp vốn điều lệ công ty bằng tài sản
Theo quy định tại Điều 34 Luật doanh nghiệp 2020 thì:
- Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Tức là bạn có thể góp vốn điều lệ bằng các tài sản như bất động sản, ô tô, quyền sử dụng cho thuê mặt bằng…, miễn sao có văn bản thỏa thuận đồng ý về giá trị tài sản của tất cả các thành viên góp vốn.
- Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Các quyền trên cần được định giá, hoặc thỏa thuận với các thành viên về giá trị tài sản đó, sau đó quy đổi giá trị ra tiền VNĐ và được ghi vào biên bản góp vốn tài sản của công ty.
- Các vướng mắc thường gặp
Câu hỏi 1: Có cần chứng minh vốn điều lệ của công ty, doanh nghiệp không?
Tùy nhu cầu, ngành nghề và quy mô hoạt động, doanh nghiệp sẽ tự đăng ký vốn điều lệ công ty. Hiện tại, các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam không cần chứng minh có đủ vốn điều lệ khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, nếu có vấn đề gì phát sinh trong quá trình hoạt động, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm trên số vốn điều lệ đã đăng ký.
Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp vì thế mà lựa chọn mức vốn quá thấp hoặc quá cao so với năng lực tài chính thực sự. Điều này là không nên.
Vì sao?
Vì với số vốn điều lệ quá thấp thì các chủ doanh nghiệp không thể nào thể hiện được tiềm lực tài chính cũng như quy mô của công ty mình cho đối tác thấy. Điều này dẫn đến sự thiếu tin tưởng trong hợp tác kinh doanh, thậm chí không tìm được đối tác cho mình. Thêm nữa khi doanh nghiệp cần nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng thì với số vốn quá thấp cũng không tạo được “niềm tin” cho ngân hàng để được vay số vốn vượt ngoài khả năng, vượt ngoài vốn điều lệ.
Còn nếu chủ doanh nghiệp đưa ra số vốn ngoài khả năng của bản thân thì cái lợi trước mắt là tạo được niềm tin cho đối tác, ngân hàng nhưng rủi ro cũng rất lớn. Giả sử làm ăn thất bại dẫn đến gây nợ cho khách hàng; nặng hơn là giải thể, phá sản; hoặc vay ngân hàng quá nhiều dẫn đến không có khả năng chi trả, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng đúng số vốn mà mình đã đăng ký.
– Không có cơ quan nào kiểm tra. Việc đăng ký vốn điều lệ và việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức vốn điều lệ là vấn đề nội bộ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần kinh doanh đúng luật và chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ mình đăng ký khi xảy ra các vấn đề liên quan đế giải thể, phá sản thì cần đảm bảo nghĩa vụ với người lao động, đối tác, chủ nợ…
Vốn điều lệ tối thiểu để mở công ty/góp vốn là bao nhiêu? Câu trả lời là còn tuỳ vào doanh nghiệp đó đăng ký ngành nghề kinh doanh gì? Nếu đăng ký ngành nghề kinh doanh bình thường không yêu cầu mức vốn pháp định thì theo luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu, tức là kê khai mức vốn điều lệ phù hợp với quy mô thực tế của doanh nghiệp mình bao nhiêu cũng được. Còn nếu doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh yêu cầu mức vốn pháp định thì doanh nghiệp cần kê khai mức vốn điều lệ tối thiểu bằng với mức quy định của ngành nghề kinh doanh đó.
Pháp luật không có quy định về mức vốn điều lệ tối đa, tức là không hạn chế việc bỏ tiền góp vốn vào làm ăn kinh doanh. Các bạn có toàn quyền quyết định mức vốn góp vào doanh nghiệp để phục vụ mục đích kinh doanh của công ty và đảm bảo việc hoạt động kinh doanh hiệu quả. Tức là bỏ bao nhiêu tiền góp vốn vào cũng được.
Câu hỏi 2: Phân biệt vốn điều lệ và vốn pháp định
Mặc dù vốn điều lệ và vốn pháp định đều là số vốn ban đầu do nhà đầu tư cùng góp vào doanh nghiệp nhưng giữa chúng cũng tồn tại những khác biệt sau đây:
Nội dung | Vốn điều lệ | Vốn pháp định |
Cơ sở xác định | Khi thành lập công ty bắt buộc phải đăng ký vốn điều lệ.
Vốn điều lệ có thể tăng hoặc giảm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. |
Vốn pháp định không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà được xác định theo ngành nghề kinh doanh cụ thể.
Công ty dự định thành lập có ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định thì vốn góp phải tối thiểu bằng vốn pháp định. |
Mức vốn | Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa khi thành lập công ty. | Mức vốn pháp định là cố định đối với từng ngành nghề kinh doanh.
Ví dụ: – Ngành nghề kinh doanh bất động sản vốn pháp định 6 tỷ – Cho thuê lại lao động yêu cầu vốn pháp định 2 tỷ đồng |
Thời hạn góp vốn | Góp vốn đủ từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện | Thực hiện góp vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng ký |
Câu hỏi 3: Có cần chứng minh vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp không?
Bên cạnh nội dung vốn điều lệ là gì, nhiều người cũng đặc biệt quan tâm đến việc có phải chứng minh vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp hay không.
Hiện nay pháp luật không quy định về nghĩa vụ chứng minh vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp. Tại các bước đăng ký thành lập, doanh nghiệp cũng không cần chứng minh vốn điều lệ.
Theo đó, vốn điều lệ do doanh nghiệp tự đăng ký và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung kê khai.
Tuy nhiên, nếu ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có yêu cầu vốn pháp định thì vốn điều lệ không được thấp hơn vốn pháp định, trường hợp yêu cầu vốn ký quỹ thì doanh nghiệp sẽ cần phải chứng minh.
Câu hỏi 4: Vốn điều lệ bao nhiêu là đủ?
Hiện nay, Luật doanh nghiệp năm 2020 không quy định mức vốn điều lệ cụ thể đối với doanh nghiệp nói chung. Tùy vào khả năng kinh tế của chủ sở hữu và mục đích hoạt động mà doanh nghiệp sẽ tự quyết định mức vốn điều lệ cụ thể. Thông thường doanh nghiệp sẽ xem xét đến các yếu tố sau để quyết định vốn điều lệ:
– Khả năng tài chính của chủ sở hữu.
– Phạm vi, quy mô hoạt động của doanh nghiệp.
– Chi phí hoạt động thực tế của doanh nghiệp sau khi thành lập;
– Dự án kinh doanh ký kết với đối tác…
Câu hỏi 5: Vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu?
Do pháp luật không quy định giới hạn vốn điều lệ. Do đó, trừ trường hợp kinh doanh những ngành nghề có quy định vốn pháp định và mức ký quỹ thì doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn mức vốn điều lệ cho phù hợp.
Trường hợp kinh doanh những ngành nghề có điều kiện về vốn pháp định (ví dụ như dịch vụ bảo vệ, ngân hàng, bảo hiểm,…) hoặc yêu cầu phải ký quỹ (như dịch vụ sản xuất phim, cho thuê lại lao động…) thì vốn điều lệ tối thiểu phải bằng mức vốn pháp định hay ký quỹ theo như quy định.
Câu hỏi 6: Vốn điều lệ tối đa là bao nhiêu?
Như đã đề cập, pháp luật không giới hạn vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa nên doanh nghiệp có thể tự quyết định số vốn điều lệ phù hợp.
Nếu quy mô kinh doanh lớn và có tiềm lực tài chính, nhà đầu tư có thể đăng ký vốn điều lệ lớn. Ngay cả khi trong quá trình doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, chủ đầu tư vẫn góp thêm vốn để tăng mức vốn điều lệ.
Câu hỏi 7: Tài sản nào được dùng để góp vốn điều lệ?
Bên cạnh việc đưa ra định nghĩa vốn điều lệ là gì, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về tài sản góp vốn tại Điều 34 như sau:
- Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
- Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Theo quy định này, những tài sản dùng để góp vốn điều lệ bao gồm:
- Đồng Việt Nam.
- Ngoại tệ tự do chuyển đổi.
- Vàng.
- Quyền sử dụng đất.
- Quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật.
- Tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Lưu ý, chỉ những tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì cá nhân, tổ chức đó mới có quyền đem góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Cũng theo quy định tại Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty:
– Tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất: Phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất cho công ty.
– Tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn: Phải giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thông qua tài khoản.
Câu hỏi 8: Thời hạn góp vốn điều lệ là bao lâu?
8.1 Thời hạn góp vốn công ty cổ phần
Khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
- Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.
Theo đó, thời hạn góp vốn điều lệ vào công ty cổ phần là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn này, các cổ đông phải thanh toán đầy đủ số cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký thành lập công ty cổ phần.
Nếu hết thời hạn 90 ngày mà các cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký thì công ty cổ phần phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã thanh toán trong thời hạn 30 ngày.
8.2 Thời hạn góp vốn công ty TNHH 1 thành viên
Theo khoản 2 Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên có thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để góp vốn đầy đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập.
Trong thời hạn góp vốn, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.
Nếu không góp vốn điều lệ trong thời hạn 90 ngày nói trên, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu vẫn chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn thay đổi vốn điều lệ, tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.
8.3 Thời hạn góp vốn công ty TNHH từ 2 thành viên
Khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 nêu rõ:
- Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
Theo đó, các thành viên của công ty TNHH 2 thành viên có thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để góp đủ vốn và đúng loại tài sản đã cam kết.
Nếu các thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong vòng 30 ngày kể từ ngày cuối cùng của thời hạn góp vốn.
8.3 Thời hạn góp vốn công ty hợp danh
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định cụ thể về thời hạn góp vốn vào công ty hợp danh. Thay vào đó, khoản 1 Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ quy định:
- Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.
Như vậy, thời hạn góp vốn điều lệ công ty hợp danh phải được đảm bảo thực hiện đúng như thời hạn mà các thành viên đã cam kết.
Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết mà gây thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Cùng với đó, nếu thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ sẽ bị coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty
8.4. Thời hạn góp vốn doanh nghiệp tư nhân
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Do đó, chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ không cần chịu thực hiện việc chuyển quyền sỏ hữu vốn góp cho doanh nghiệp tư nhân.
Theo Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Toàn bộ vốn và tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Câu hỏi 9: Trường hợp cổ đông, thành viên không góp đủ vốn thì xử lý thế nào?
Việc nắm được khái niệm vốn điều lệ là gì, thời hạn góp vốn điều lệ là chưa đủ để có thể đăng ký thành lập và vận hành doanh nghiệp một các hiệu quả. Nhà đầu tư cũng cần nắm được cách giải quyết khi cổ đông, thành viên công ty không góp đủ vốn:
9.1. Đối với công ty cổ phần
Căn cứ khoản 3 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020, nếu cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì giải quyết như sau:
– Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký đương nhiên không còn là cổ đông của công ty, đồng thời không được chuyển nhượng quyền mua cho người khác.
– Cổ đông mới thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần chưa thanh toán cho người khác.
– Cổ phần chưa thanh toán bị coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.
9.2. Đối với công ty TNHH 1 thành viên
Theo khoản 3 Điều 75 Luật Doanh nghiệp năm 2020, chủ sở hữu công ty không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định thì phải giảm vốn điều lệ trong thời hạn 30 ngày.
Trong thời gian 30 ngày này, chủ sở hữu công ty vẫn phải chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ tài chính phát sinh tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.
Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ theo quy định tại Điều này.
9.3. Đối với công ty TNHH từ 2 thành viên
Theo khoản 3 Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020, nếu thành viên công ty không góp hoặc có nhưng chưa đủ phần vốn góp đã cam kết thì sẽ xử lý như sau:
– Thành viên không góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty.
– Thành viên chưa góp đủ phần vốn đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp.
– Phần vốn chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên công ty TNHH từ 02 thành viên trở lên.
9.4. Đối với công ty hợp danh
Theo Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên hợp danh và thành viên góp vốn đều buộc phải góp đủ vốn đã cam kết.
Thành viên hợp danh nếu không góp đủ và đúng hạn mà gây thiệt hại cho công ty thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Còn thành viên góp vốn nếu không góp đủ số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty.
Câu hỏi 10: Kê khai khống vốn điều lệ bị phạt ra sao?
Theo Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, hành vi khai khống vốn điều lệ sẽ bị phạt rất nặng. Cụ thể như sau:
- Kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng: Phạt 20 – 30 triệu đồng.
- Kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng: Phạt 30 – 40 triệu đồng.
- Kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng: Phạt 40 – 60 triệu đồng.
- Kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng: Phạt 60 – 80 triệu đồng.
- Kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên: Phạt 80 – 100 triệu đồng.
Câu hỏi 11: Nên đăng ký vốn điều lệ cao hay thấp?
Trừ khi kinh doanh các các ngành, nghề yêu cầu mức vốn tối thiểu, còn lại doanh nghiệp được tùy chọn mức vốn điều lệ. Mức vốn điều lệ này không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhưng có ảnh hưởng trực tiếp tới mức lệ phí môn bài doanh nghiệp phải đóng.
Tùy vào quy mô kinh doanh mà doanh nghiệp cần đăng ký cho mình mức vốn điều lệ phù hợp nhưng cũng cần tính đến khoản lệ phí môn bài phải nộp hằng năm.
Cụ thể theo Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, mức thu lệ phí môn bài như sau:
Stt | Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư | Lệ phí môn bài phải nộp |
1 | Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư > 10 tỷ đồng | 03 triệu đồng/năm |
2 | Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư ≤ 10 tỷ đồng | 02 triệu đồng/năm |
3 | Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác | 01 triệu đồng/năm |
Văn Hải – Công Danh