Nghiên cứu trao đổi

TS Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC: Sử dụng giấy phép lái xe, thẻ nhà báo giả mua trôi nổi trên mạng để xin xỏ khi vi phạm giao thông – Sẽ bị xử lý như thế nào?

(HNTTO) – Mặc dù đã được các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, bắt giữ các đối tượng làm giả Giấy phép lái xe (GPLX), thẻ nhà báo giả nhưng việc chào bán GPLX, thẻ NB vẫn tồn tại.

Tài xế T tại thời điểm kiểm tra. Ảnh CACC 

Cụ thể, ngày 29/03/2023 vừa qua, vào hồi 11 giờ 20 cùng ngày, Tổ CSGT thuộc Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc số 6, Phòng hướng dẫn TTKS giao thông đường bộ (Đội 6, Cục CSGT) đang làm nhiệm vụ, xử lý vi phạm (XLVP) trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã dừng kiểm tra xe ô tô có biển kiểm soát 52Y-86xx do vi phạm chạy quá tốc độ quy định. Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện là ông NPHT (47 tuổi, trú tại quận 11, TP.HCM). Theo đó, ông T đã xuất trình các loại giấy tờ liên quan, trong đó có một giấy phép lái xe (GPLX) hạng A2, B2 mang tên NPHT do Sở GTVT TP.HCM cấp có giá trị đến 5-11-2031 và một thẻ nhà báo mang tên NPHT, bút danh HT, thuộc Đài Truyền hình TP.HCM do Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cấp có giá trị đến 31-12-2025.

Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ – Nhà báo Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm, TC Nhiếp ảnh và Đời sống cho biết quy định của pháp luật, khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông thì không cho phép chưa có giấy phép lái xe. Trong đó, rất nhiều lý do như làm mất, chưa đủ tuổi; hay bị xử phạt do vi phạm pháp luật an toàn giao thông mà nhiều người bị tước giấy phép lái xe.

Đối với hành vi Sử dụng giấy phép lái xe giả bị xử phạt ra sao?

Tiến sĩ Hồ Minh Sơn khẳng định, theo quy định về giấy phép lái xe ở các quốc gia tuy có khác nhau tùy vào đặc thù của mỗi nước nhưng nhìn chung để nhận được GPLX, người xin cấp giấy phép lái xe cần trải qua nhiều thủ tục pháp lý như nộp đơn xin cấp, phải trải qua một bài kiểm tra lái xe hoặc những kỳ thi sát hạch về lái xe nghiêm ngặt (tùy yêu cầu của từng loại phương tiện) và các thủ tục khác. Vì vậy, sau khi được cấp GPLX, người đó mới có quyền (về mặt pháp lý) để tham gia giao thông bằng phương tiện xe. Theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Đối với xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô: Người điều khiển phương tiện không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Đối với xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh: Người điều khiển phương tiện sử dụng bằng lái xe giả, không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng. Đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô khác: Người điều khiển xe sử dụng bằng lái xe giả sẽ bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Bên cạnh việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện sử dụng giấy phép lái xe giả, giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp còn bị áp dụng bổ sung tịch thu Giấy phép lái xe giả theo quy định tại khoản 9 Điều 21 Nghị định trên.

Theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Có các khung hình phạt như sau: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn dẫn chứng.

Theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 – Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;  Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng…

Sử dụng thẻ nhà báo giả để đối phó với CSGT được coi là hành vi mạo danh nhà báo.

Tiến sĩ – Nhà báo Hồ Minh Sơn cho biết thời gian gần đây, lực lượng công an đã liên tiếp phát hiện các vụ việc liên quan đến hành vi mạo danh nhà báo, làm giả thẻ nhà báo để xin bỏ qua lỗi vi phạm giao thông. Đặc biệt, một số đối tượng thậm chí còn coi thường pháp luật, lăng mạ lực lượng công an đang thực thi công vụ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, tôn chỉ mục đích của báo chí.

Cũng theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn theo quy định tại Điểm a, Khoản 2 và Điểm b Khoản 4, Điều 6 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP thì hành vi “mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng, bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: nộp lại số thu lợi bất hợp pháp…Ngoài ra, tùy từng hành vi vi phạm pháp luật mà các đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội khác nhau theo Bộ luật Hình sự, như tội Cưỡng đoạt tài sản (Điều 135) hay tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139) hoặc Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267)… Theo đó, đối với tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 267, Bộ luật Hình sự: Dấu hiệu của tội phạm là đối tượng làm giả thẻ nhà báo hoặc các giấy tờ tài liệu khác của cơ quan, tổ chức; sau đó sử dụng các giấy tờ, tài liệu này để lừa dối cơ quan, tổ chức, cá nhân để mưu lợi cá nhân. Tùy theo từng yếu tố định khung hình phạt mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng.

Mặc dù vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng vẫn trong quá trình điều tra làm rõ. Tuy nhiên, đối với những hành vi của kẻ mạo danh nhà báo thì xã hội cần phải lên án. Cần phải xử lý nghiêm để ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp của những người làm báo chân chính. Đặc biệt, cần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mua,  bán và sử dụng GPLX giả cần có sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội trong việc kiên quyết lên án và kịp thời thông báo tới cơ quan chức năng nếu phát hiện có hành vi sản xuất, mua bán, trao đổi giấy phép lái xe giả của các đối tượng để lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra và xử lý.

Văn Hải – Trần Danh

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button