Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong ASEAN
(HNTTO) – Google, Temasek và Bain&Co dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025 với mức tăng trưởng trung bình 31%.
Việt Nam được coi là một trong những thị trường thương mại điện tử tiềm năng trên thế giới. (Ảnh: Vietnam+)
Việt Nam cần ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô, đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.
Thông điệp trên được bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh tại Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023,” do đơn vị này phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức ngày 12/1.
Quốc gia tăng trưởng kinh tế số
Báo cáo đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2023. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47% theo kịch bản 1 và 6,83% trong kịch bản 2. Bên cạnh đó, lạm phát bình quân năm dự báo lần lượt ở mức 4,08% và 3,69%.
Theo bà Hương, tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại-công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD…
Báo cáo đã nhìn nhận lại thời kỳ Đổi mới năm 1986 đến nay, Việt Nam tập trung cải cách 3 trụ cột chính là cải cách thể chế kinh tế định hướng thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo báo cáo, ba giai đoạn 1989-1996; 2000-2007 và 2014-2019 – Việt Nam hội nhập kinh tế mạnh mẽ và có những đổi mới căn bản cũng như đạt được những thành tựu kinh tế – xã hội quan trọng.
Nhờ đó, kim ngạch thương mại vẫn đạt được những kết quả khả quan ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế phải đối mặt với những tác động bất lợi như căng thẳng Mỹ – Trung Quốc hay những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
Việt Nam được coi là một trong những thị trường thương mại điện tử tiềm năng trên thế giới.
Theo báo cáo từ Google, Temasek và Bain&Co (e-Conomy SEA 2022) ước tính kinh tế số của Việt Nam đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và cao thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia: 77 tỷ USD và Thái Lan: 33 tỷ USD).
Báo cáo này dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025. Kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng được dự báo ở mức trung bình 31%/năm cho giai đoạn 2022-2025.
Trong những năm gần đây, các quốc gia trong khu vực đã có những nỗ lực hướng tới quan hệ hợp tác kinh tế số và quan hệ hợp tác xuyên biên giới trong thương mại điện tử. Theo đó, những nỗ lực thúc đẩy thương mại không giấy tờ cũng nổi lên, đáng chú ý nhất là Hiệp định khung Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở châu Á và Thái Bình Dương (CPTA) của Liên hợp quốc bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2021.
Cụ thể, thương mại không giấy tờ được định nghĩa là việc thực hiện các hoạt động thương mại trên nền tảng điện tử thay vì các văn bản, chứng từ giấy (Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương – ESCAP, 2021).
Thúc đẩy thương mại không giấy tờ
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, chỉ ra trong bối cảnh phải đối mặt với vấn đề về tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần trong dài hạn, Chính phủ đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, trong đó bao gồm phát triển kinh tế số. Trong đó, Việt Nam đã triển khai những giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế số cũng như số hóa trong cung cấp dịch vụ công.
Tuy nhiên, theo ông Dương, Việt Nam đã có một số cải thiện theo về cả thương mại không giấy tờ nói chung và thương mại không giấy tờ xuyên biên giới nói riêng.
(Nguồn: CIEM)
“So với các nền kinh tế APEC khác, Việt Nam còn thiếu các cơ chế hỗ trợ cho thương mại kỹ thuật số,” ông Dương nói.
Nhằm tăng cường mức độ sẵn sàng về kỹ thuật cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới, ông Dương khuyến nghị Việt Nam cần cập nhật thành viên và kế hoạch hành động cho Ủy ban quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại trong giai đoạn 2023-2025, trong đó có ưu tiên xây dựng năng lực kỹ thuật cho thương mại không dùng giấy tờ xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, hải quan cần xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tập trung, tích hợp thông minh để hỗ trợ thương mại không giấy tờ xuyên biên giới. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao cần xây dựng và phát triển trên toàn quốc.
Theo ông Dương, Việt Nam cần cân nhắc về vền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia để kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ ngành và chính quyền địa phương trên cả nước và các chương trình nâng cao năng lực để thúc đẩy thương mại không giấy tờ và thương mại không giấy tờ xuyên biên giới./.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-se-la-quoc-gia-tang-truong-kinh-te-so-manh-trong-asean/840929.vnp