Phương pháp mới có thể phân hủy hóa chất độc hại PFAS tồn tại bền vững trong nước
(HNTTO) – PFAS là một trong những chất gây ô nhiễm ngấm ngầm nhất nhờ tính phổ biến, thời gian tồn tại lâu dài và danh sách các mối quan tâm về sức khỏe liên quan ngày càng tăng của chúng. Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Riverside đã phát triển phương pháp mới để phân hủy chúng hiệu quả hơn đó là sử dụng hydro và tia cực tím.
PFAS là một nhóm chứa hàng nghìn hóa chất chịu nhiệt và chống thấm nước, được sử dụng phổ biến nhiều thập kỷ qua trong các vật dụng hàng ngày như dụng cụ nấu nướng chống dính, bao bì thực phẩm và quần áo không thấm nước. Tuy nhiên, những hóa chất này ngày càng có liên quan đến một loạt vấn đề sức khỏe chẳng hạn như ung thư.
Bên cạnh đó, PFAS được tạo thành từ các phân tử rất ổn định, giúp chúng có tuổi thọ cao và được mệnh danh là “hóa chất vĩnh cửu”. Tất cả điều đó làm cho việc tiếp xúc khó tránh khỏi, nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ PFAS trong nước mưa trên toàn thế giới vượt quá ngưỡng mà EPA coi là an toàn.
Do đó, tìm cách phá vỡ các hóa chất này là một lĩnh vực nghiên cứu chính. Theo các nghiên cứu, phương pháp mới thực hiện theo các bước: đầu tiên hydro bổ sung được thêm vào nước bị nhiễm PFAS, làm phân cực các phân tử nước và khiến chúng phản ứng mạnh hơn. Sau đó, việc tiếp xúc với tia cực tím sẽ kích hoạt các phản ứng hóa học phá vỡ chất ô nhiễm.
Kỹ thuật mới có thể phân hủy 95% “hóa chất vĩnh cửu” độc hại trong nước.
Trong các thử nghiệm, kỹ thuật này được phát hiện là tăng cường sự phân hủy của một dạng PFAS, được gọi là PFOA, từ 10% lên 95% so với phương pháp xử lý bằng tia cực tím khác và khử flo tới 94% phân tử. Điều quan trọng, nhóm nghiên cứu nói rằng không có sản phẩm phụ nguy hiểm nào được tạo ra trong quá trình này.
Ông Haizhou Liu, tác giả nghiên cứu cho biết: “Sau khi tương tác, hydro sẽ trở thành nước. Ưu điểm của công nghệ này là nó rất bền vững”.
Nhóm đã nhận được khoản tài trợ để mở rộng quy mô công nghệ nhằm thử nghiệm nó trên một lượng nước lớn hơn, với hy vọng cuối cùng nó có thể được sử dụng để xử lý nước uống và nước thải công nghiệp.
Hà My
https://vietq.vn/phuong-phap-moi-co-the-phan-huy-hoa-chat-doc-hai-pfas-ton-tai-ben-vung-trong-nuoc-s23-d206681.html