Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC: Chủ nợ có liên quan đến vụ “Công ty mua bán nợ” bị khởi tố, bắt giam?
(HNTTO) – Ngay sau khi ký kết hợp đồng mua bán nợ, các đối tượng cho nhân viên gửi thông báo cho con nợ, cho Công an cơ sở về thời gian đến làm việc. Theo đó, các đối tượng mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên công ty, đi ô tô có dán chữ “Công ty mua bán nợ” đến đậu tại nhà con nợ để thị uy, đi đông người gây sức ép, chửi bới, đe dọa con nợ...Nếu con nợ chây ì không trả thì các đối tượng “ăn nằm” tại nhà, tại công ty, gây xáo trộn cuộc sống gia đình con nợ, gây ảnh hưởng đến hoạt động cơ quan tổ chức nơi làm việc của con nợ; làm mất uy tín, danh dự...
Chia sẻ về điều này, ThS. Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc chí nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM), đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam cho rằng chủ nợ sẽ bị xử lý khi cơ quan chức năng xác định với vai trò đồng phạm nếu biết rõ phương thức đòi nợ của Công ty mua bán nợ nhưng vẫn thuê và để mặc cho hậu quả xảy ra.
Cụ thể, ngày 11/11/2022, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội) đã thông tin về việc bắt giữ Tống Văn Vịnh (Phó giám đốc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh Hà Nội) và 8 bị can khác về các tội Cưỡng đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc. Qua đó, bà Mai (quê quán tỉnh Vĩnh Phúc) đã bán khoản nợ 2,5 tỷ đồng với anh Đ.T.A. (giám đốc công ty tin học tại Hà Nội) cho Cty Hưng Thịnh Hà Nội sau khi đòi nợ không thành. Trong thời gian (từ ngày 15, 17 và ngày 22/10/2022) vừa qua, Tống Văn Vịnh đãtrực tiếp chỉ đạo và cùng các bị can đến nhà anh T.A. đe dọa, chửi bới để gây sức ép buộc bị hại trả khoản tiền 2,5 tỷ đồng.
Điển hình, Tống Văn Vịnh đã yêu cầu anh T.A. viết giấy nợ 1,5 tỷ đồng, hẹn trả trước 200 triệu đồng và mỗi tháng tiếp theo phải trả 100 triệu đồng. Sau đó, đến ngày 31/10/2022, Vịnh tiếp tục cùng 5 đàn em đến nhà anh T.A. yêu cầu đưa 200 triệu đồng. Khi đang viết phiếu thu tiền và nhận 50 triệu đồng, Vịnh bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội bắt giữ.
Thế nhưng, theo thông tin của Cơ quan CSĐT qua đấu tranh xác định bà Mai và Công ty cổ phần mua bán nợ Hưng Thịnh Hà Nội chỉ ký hợp đồng giả cách, không thanh toán tiền mua nợ. Các bị can đã sử dụng hợp đồng mua bán nợ để hợp pháp hóa việc đi đòi tiền, bản chất là đòi nợ thuê, khi đòi được tiền thì ăn chia theo tỷ lệ 50/50.
Câu hỏi dư luận đặt ra ở vụ án này, Tống Văn Vịnh – Phó giám đốc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh Hà Nội bị bắt, người thuê đòi nợ liệu có chịu sự chế tài của pháp luật hay không?
Theo ThS. Luật gia Hồ Minh Sơn cho hay. Luật Đầu tư 2020 (chính thức bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021) đã đưa ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh…Tuy nhiên, sau khi khai tử loại hình kinh doanh này thì sẽ không còn những cảnh đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”…Mặc dù vậy, những hành vi đòi nợ kiểu bất chấp pháp luật vẫn ngang nhiên diễn ra tại nhiều địa phương vẫn diễn ra trong thời gian qua, thế nhưng chỉ khác một chút , các đối tượng đến đòi nợ được núp dưới danh nghĩa là nhân sự của công ty dịch vụ mua bán nợ…Luật gia Hồ Minh Sơn cho biết thêm ở vụ. án này có 2 trường hợp pháp lý có thể xảy ra với chủ nợ sau khi vụ án được khởi tố. Trong đó, chủ nợ có thể là người vô can hoặc là đồng phạm về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Cũng theo ThS. Luật gia Hồ Minh Sơn chia sẻ nếu trường hợp chủ nợ chỉ thỏa thuận thuê Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh Hà Nội đòi nợ bằng các cách thức bình thường, không mang tính cưỡng đoạt nhưng nhóm các bị can của Hưng Thịnh lại tự ý dùng phương thức đe dọa, cưỡng ép con nợ đưa tài sản…Sau khi được Cơ quan CSĐT xác định thì chủ nợ không phải là đồng phạm với các bị can. Đồngthời, ThS. Luật gia Hồ Minh Sơn dẫn chứng thêm nếu biết rõ phương thức đòi nợ của Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh Hà Nội nhưng vẫn đồng ý, hoặc biết rõ những vẫn cố tình thuê và để mặc cho hậu quả xảy ra thì chủ nợ là đồng phạm của nác bị can thuộc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh Hà Nội về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Tương tự, trước đó không lâu cũng xảy ra vụ án về hành vi “khủng bố” đòi nợ kiểu “xã hội đen”. Công an TP.Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã từng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phương Ngọc Dũng – Giám đốc Công ty TNHH MTV mua bán nợ Kim Ngân cùng nhiều “nhân viên”. Được biết, chị Q. (ngụ ở Đắk Nông) bán số nợ 300 triệu đồng (là số tiền chị Đ.T.H, ngụ TP.Gia Nghĩa, mượn của chị Q.) với giá 180 triệu đồng cho Công ty mua bán nợ Kim Ngân. Trong quá trình đòi nợ chị H., nhân viên Công ty Kim Ngân có hành vi gây mất an ninh trật tự, gây áp lực, dùng loa kẹo kéo công suất lớn la hét, chửi bới, gây rối trật tự công cộng tại địa phương nên bị cơ quan công an bắt giữ, khởi tố…
Nói về điều này, ThS. Luật gia Hồ Minh Sơn cho rằng việc mua bán nợ là việc bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ và bên mua nợ trả tiền cho bên bán nợ. ThS. Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh: “Theo quy định tại Nghị định 69/2016 của Chính phủ và Thông tư 53/2017 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thi hành Nghị định 69/2016” đối với điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ sẽ phải thực hiện…Nguyên tắc kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải thành lập doanh nghiệp; phải đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định của pháp luật; phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 69/2016; bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, tuân thủ quy định của pháp luật.
Theo khoản 4 Điều 7 Nghị định 69/2016 quy định việc mua bán nợ phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mua bán nợ, trong đó quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của bên mua nợ, bên bán nợ, Luật gia Hồ Minh Sơn viện dẫn. Đặc biệt, “Căn cứ theo hợp đồng này, bên mua nợ trở thành chủ nợ mới của khoản nợ và tiến hành đòi nợ theo đúng quy định pháp luật”…
Sau đó, Toà án quyết định mức hình phạt dựa trên tính chất và mức độ tham gia phạm tội của đồng phạm, căn cứ Điều 58 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trong đó, người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành, dựa vào Khoản 4 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Song song đó, việc sử dụng hợp đồng mua bán nợ nhằm hợp pháp hóa mô hình đòi nợ thuê cũng là yếu tố pháp lý được quan tâm. ThS. Luật gia Hồ Minh Sơn khuyến nghị hợp đồng bán nợ mà chủ nợ ký với Công ty mua bán nợ như nếu trên của bà Mai và Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh Hà Nội là hợp đồng dân sự giả tạo để che giấu giao dịch thực sự là đòi nợ thuê. Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng này vô hiệu. Đặc biệt, hợp đồng đòi nợ thuê cũng vô hiệu bởi vi phạm điều cấm của pháp luật vì dịch vụ đòi nợ thuê thuộc danh mục cấm kinh doanh. Vì lẽ đó, hoạt động đòi nợ thuê bị pháp luật cấm và phải chịu mức phạt tiền- 60-80 triệu đồng theo Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định. Mặt khác, doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ thuê có thể còn chịu thêm biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số tiền bất hợp pháp có được từ hoạt động đòi nợ thuê.
Có thể thấy, việc doanh nghiệp đã mua khoản nợ thì doanh nghiệp đó trở thành chủ nợ và trực tiếp đi đòi nợ mà không cần trình báo chính quyền địa phương. Từ đó cho thấy, phương thức đòi nợ cần làm rõ như thế nào để có hiệu quả tùy thuộc vào mỗi doanh nghiệp…Đây cũng là kỹ năng và nghiệp vụ của mỗi doanh nghiệp. Nếu gây áp lực, uy hiếp, cưỡng chế bên nợ để đòi nợ, đủ dấu hiệu cấu thành một trong những tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự, như hành vi cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… thì bên chủ nợ phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật định…
Văn Hải – Trần Danh