Mở rộng hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp
(HNTTO) – Vừa qua, đại diện hai nước Việt Nam – Phần Lan đã trao đổi nội dung liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Phần Lan. Từ khi thị trường lao động quốc tế mở cửa trở lại, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đang thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động và GDNN đối với các nước, trong đó có các thị trường mới như Phần Lan, Singapore.
Hợp tác trong GDNN nhằm tạo ra lực lượng lao động chất lượng thông qua đào tạo và thực hành nghề. Ảnh minh họa: TTXVN
Website của Bộ LĐ-TB&XH cho biết Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto đã khẳng định Phần Lan sẵn sàng hợp tác trong các chương trình giáo dục dạy nghề và đào tạo giáo viên giữa hai nước. Trong đó, chương trình về chuyển đổi số, kinh tế xanh là một thế mạnh mà Phần Lan đang hướng đến.
Theo đó, chương trình nghề được đào tạo từ 2-3 năm, học sinh được định hướng và thực hành nghề nghiệp; sau kết thúc chương trình, học sinh có thế lựa chọn học thêm chứng chỉ nghề cao hơn hoặc lấy thêm bằng nghề chuyên biệt. Ngoài ra, học sinh được chuyển thẳng lên bậc đại học khi đáp ứng đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, hai nước sẽ quan tâm đến đầu tư nguồn nhân lực cho nền kinh tế xanh và sử dụng công nghệ, sản xuất sản phẩm xanh, sạch, bảo vệ môi trường. Đây là cơ hội để lao động Việt có thể học tập và làm việc ởPhần Lan. Nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe.
Trước đó, vào giữa tháng 10, Việt Nam cũng thúc đẩy ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực GDNN với Singapore.
Theo thỏa thuận, hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác, nâng cao năng lực lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục nghềnghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng 3 trung tâm quốc gia về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao theo mô hình của ITE Singapore và phát triển năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ đào tạo.
Các hoạt động hợp tác này sẽ hỗ trợ tích cực cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong việc triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt là mục tiêu xây dựng và đầu tư dự án Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế – xã hội.
T.H/ Theo Bộ LĐ-TB&XH
https://thesaigontimes.vn/mo-rong-hop-tac-quoc-te-trong-giao-duc-nghe-nghiep/