Doanh nghiệp

Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng

(HNTTO) – Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “Phát triển kinh tế nhanh và bền vững”, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại. Theo đó, phát triển kinh tế vùng là mục tiêu tất yếu để phát triển kinh tế khu vực và đất nước. Tại đây, các thế mạnh, các tiềm lực của mỗi tỉnh sẽ được khai thác, ưu tiên để phục vụ sự phát triển kinh tế chung thông qua các giải pháp hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền.

Mối liên hệ của doanh nghiệp TP. HCM và khu vực lân cận

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM đóng góp cao nhất vào tốc độ tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp 3,48 điểm phần trăm, các địa phương còn lại của vùng Đông Nam Bộ đóng góp 2,03 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,51% của cả vùng. Nếu xét vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì riêng TP.HCM đóng góp 3,24 điểm phần trăm, các địa phương còn lại đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,65% của cả vùng.

TP.HCM đang là trung tâm kinh tế của khu vực miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long. Sự phát triển của TP.HCM tạo nguồn lực cơ bản để hỗ trợ các khu vực lân cận. Trong đó, doanh nghiệp là các cơ sở, là tế bào của nền kinh tế có vai trò quan trọng trong sự phát triển này.

Thông qua hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho người lao động, cung cấp sản phẩm cho xã hội, đáp ứng nhu cầu vật chất tinh thần cho xã hội. Không những thế, doanh nghiệp còn tạo nguồn thu chủ yếu cho ngân sách TP.HCM và cả nước. Với số lượng gần 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, TP.HCM đóng góp gần 30% ngân sách cả nước, rất nhiều các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới đã phát sinh, phát triển và mở rộng từ các doanh nghiệp TP.HCM.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho biết: “Hoạt động của các doanh nghiệp tại TP.HCM bao phủ trên tất cả các ngành nghề, từ công nghiệp tới nông nghiệp, từ du lịch tới thương mại, từ xây dựng đến thương mại, từ công nghệ tới dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng… Hầu hết các doanh nghiệp đầu ngành đều có trụ sở, hoặc chi nhánh tại TP.HCM. Do đó, sự phát triển của doanh nghiệp tại TP.HCM tác động nhanh chóng, tích cực tới các ngành kinh tế khu vực”.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp lớn của TP.HCM luôn có chi nhánh, nhà xưởng ở các tỉnh lân cận. Nhờ đó, họ thu hút lao động và tận dụng tài nguyên của tỉnh đó. Không những thế, hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp cung cấp cho khu vực sẽ ảnh hưởng đặc biệt lớn cho thị trường, đáp ứng nhu cầu người dân và tạo sự tác động lan tỏa cho sự phát triển các tỉnh đó.

“Trong xu hướng phát triển kinh tế dựa vào chuyển đổi số hiện nay, các doanh nghiệp của TP.HCM càng đóng vai trò quan trọng hơn. Bởi TP.HCM là trung tâm nghiên cứu, trung tâm đào tạo thực hành công nghệ mới. TP.HCM tập trung hầu hết các trường đào tạo và viện khoa học. Các tiến bộ khoa học, công nghệ được doanh nghiệp của TP.HCM ủng hộ, tài trợ và triển khai. Nhờ đó, việc ứng dụng công nghệ 4.0 tại các doanh nghiệp ở TP.HCM đã tạo ảnh hưởng nhất định đến sự cải cách của chính quyền và doanh nghiệp các tỉnh bạn”, ông Nghĩa, nhận định.

Giải pháp để doanh nghiệp tại TP.HCM xứng tầm là đầu tàu

Các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tại TP.HCM đang có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng trọng tâm. Tuy nhiên, để xứng tầm trở thành đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp khu vực thì các doanh nghiệp của TP.HCM cần có sự hợp tác chặt chẽ của chính quyền ở một số điểm sau đây:

  1. Chính quyền cần xây dựng hành lang pháp lý rộng rãi, thuận tiện để doanh nghiệp phát triển. Bởi vì khi doanh nghiệp thuận tiện trong phát triển thì mới dồn toàn lực vào hoạt động kinh doanh, tạo sản phẩm cho xã hội, tạo thu nhập tốt cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước và mở rộng đầu tư kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế khu vực. Theo đó, các yêu cầu “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” và “giảm thiểu trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp” cũng như giảm tần suất, yêu cầu trong các hoạt động thanh kiểm tra luôn là vấn đề mà các doanh nghiệp mong muốn.
  2. Chính quyền cần rà soát, điều chỉnh các văn bản pháp luật để tạo thuận lợi cho sự đầu tư, mở rộng, liên kết, phát triển kinh tế vùng. Ví dụ: Cần nghiên cứu điều chỉnh Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Một số doanh nghiệp cho rằng, Nghị định này chỉ nên áp dụng đối với các doanh nghiệp có giao dịch với nước ngoài (nơi có thuế suất khác Việt Nam), hoặc thuộc diện ưu đãi thuế… Hơn nữa, quy định về việc xác định doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết đối với tiền vay (vốn vay lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu của công ty và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của công ty) cũng nên xem xét điều chỉnh để tránh gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cũng có thể khiến các doanh nghiệp, tập đoàn chùn bước khi mở rộng đầu tư, kinh doanh.
  3. Nhà nước cần tạo cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp tại TP.HCM, để mở rộng đầu tư trong khu vực. Ví dụ, cần xem xét sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư theo chương trình phát triển của các tỉnh; hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mai theo Nghị quyết 11/NQ-CP cho chương trình; cho phép tập trung các nguồn vốn ngoài ngân sách khác để hỗ trợ cho chương trình…
  4. Chính quyền các tỉnh, thành phố trong khu vực thường xuyên cập nhật thông tin các dự án kêu gọi đầu tư, mở các chương chình xúc tiến đầu tư, giới thiệu các chính sách ưu đãi phù hợp với đơn vị đầu tư, từ đó giúp doanh nghiệp của TP.HCM có thêm thông tin, nguồn lực để cùng hợp tác, phát triển kinh tế tỉnh nhà.
  5. Các tỉnh, thành phố xây dựng Hiệp hội doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực. Từ đó, thường xuyên giao lưu giữa doanh nghiệp tỉnh, thành phố thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp để trao đổi kinh nghiệm, cơ hội hợp tác, cũng như tạo sự đồng thuận cùng phát triển, cùng kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế khu vực.
  6. Các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng qui hoạch, xây dựng hệ thống giao thông, logistics có tính liên kết vùng. Ví dụ, đường vành đại 3, đường vành đai 4 của TP.HCM nên nhanh chóng triển khai, hoàn thành. Hệ thống cảng biển, cảng sông nên có đầu mối quy hoạch chung, tránh chồng chéo và tạo sự phân bố, liên kết phù hợp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kết nối các trung tâm của khu vực (Biên Hòa, Vũng Tàu, TP.HCM…) cũng cần nhanh chóng hoàn thiện, tránh gây ùn tắc kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển và đầu tư.

Tống Trung

http://www.khoahocphothong.com.vn/su-hop-tac-giua-doanh-nghiep-va-chinh-quyen-se-day-manh-phat-trien-kinh-te-vung-59976.html

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button