Cần Thơ: Hội nghị Đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực số khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long
(HNTTO) – Ngày5/4/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khởi động “Sáng kiến đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Initiative – MII)” nhằm tăng cường đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4IR) ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tham dự có Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông; bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam; Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) (Bộ KH&ĐT); cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) Hồ Minh Sơn, đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và đời sống phía Nam; đại diện trường Đại học, doanh nghiệp và các tổ chức, các chuyên gia về đổi mới sáng tạo, nhân lực số tham gia lễ công bố sáng kiến đổi mới sáng tạo Mekong tại TP Cần Thơ; ông Nguyễn Hỉa Linh, Tạp chí Người cao tuổi…
Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho hay với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược cho Đảng và Chính phủ, từ năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) nhằm hiện thực hóa những khát vọng, chủ trương, định hướng đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong cuộc Cách mạng 4.0, thông qua các hoạt động hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh, quản lý sáng tạo.
Quốc hội cũng đã ban hành Luật Đầu tư năm 2020 trong đó quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo điều kiện xây dựng và phát triển các Trung tâm Đổi mới sáng tạo trên cả nước cũng như đưa ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.
Đặc biệt, với Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 28/2/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch, mục tiêu tổng quát đã chỉ rõ: Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới; một trong các cơ sở cần chú trọng là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hội nghị “Đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực số khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long” nhằm đánh giá về thực trạng đổi mới sáng tạo của khu vực, trao đổi về các khó khăn, thách thức, cũng như các cơ hội để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ công nghệ số đáp ứng yêu cầu phát triển theo mục tiêu và các định hướng của quy hoạch phát triển vùng.
“Tôi tin rằng, tại Hội nghị này, các quý vị đại biểu sẽ tích cực trao đổi, đóng góp ý kiến về các vấn đề còn đang tồn tại, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra rất mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến để tham mưu cơ chế, chính sách cũng như phối hợp với các cơ quan, tổ chức như Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ xây dựng các chương trình, dự án cụ thể nhằm góp phần hỗ trợ đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, Bộ KH&ĐT giới thiệu và công bố Sáng kiến đổi mới sáng tạo tại khu vực ĐBSCL (Mekong Innovation Innitiative – MII) trong đó, bao gồm những hoạt động cụ thể năm 2022. Sáng kiến này sẽ thúc đẩy sự quan tâm, động lực và góp phần kết nối các nguồn lực để hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc quốc gia USAID tại Việt Nam, phát biểu: “USAID rất vui mừng được mở rộng hợp tác cùng Bộ KH&ĐT và hỗ trợ Việt Nam trong việc tìm kiếm các phương pháp đào tạo mới để phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam có cơ hội lớn trong việc tận dụng tiềm năng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư để phát triển mạnh mẽ và chuyển đổi kinh tế. Để làm được điều này cần trang bị các kỹ năng số cho lực lượng lao động nhằm tận dụng nền kinh tế tri thức để phát triển nhiều lĩnh vực,”
Mục tiêu của MII bao gồm: Huy động các nguồn lực và giải pháp hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại ĐBSCL; hỗ trợ phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo cho khu vực; thúc đẩy, nâng cao nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; phát triển bền vững về môi trường và bình đẳng giới cho khu vực.
MII nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ hoạt động “Nguồn nhân lực cho Đổi mới sáng tạo – Hệ sinh thái khởi nghiệp” (USAID WISE), đã được công bố bởi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trong chuyến thăm Việt Nam năm 2021. WISE là hoạt động hợp tác giữa USAID và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ KH&ĐT nhằm hỗ trợ tăng cường kỹ năng chuyên biệt của thị trường lao động Việt Nam, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh cho lực lượng lao động của Việt Nam. WISE sẽ hỗ trợ MII phát triển nguồn nhân lực số cho khu vực ĐBSCL. Đây là một trong những hoạt động của WISE nhằm giảm thiểu bất bình đẳng giới cũng như thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, góp phần phát triển nền kinh tế số trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam.
Trong thời gian hoạt động, các hoạt động thuộc MII được tài trợ bởi USAID WISE dự kiến sẽ đào tạo 500 học viên khu vực ĐBSCL về các kỹ năng chuyển đổi số và thương mại điện tử, mở ra cơ hội việc làm mới và cung cấp cho khu vực một lực lượng lao động đã được trang bị các kỹ năng số.
Ngoài ra, chương trình MII còn nhận được tài trợ của nhiều đối tác quan trọng khác, có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như: 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa ĐMST và khởi nghiệp được cung cấp miễn phí dịch vụ điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu; 500 gói dịch vụ tra cứu thông tin doanh nghiệp ở nước ngoài miễn phí nhằm phục vụ hoạt động xuất khẩu và hợp tác thương mại; 500 website được xây dựng miễn phí cho người dân và doanh nghiệp để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm Mekong trên nền tảng số; 5.000 suất học bổng đào tạo về công nghệ thông tin dành cho sinh viên và người lao động; 3.000 nông dân, tiểu thương được hỗ trợ, đào tạo miễn phí về chuyển đổi số và bán hàng trên mạng xã hội, các kênh trực tuyến; 800 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, cấp kinh phí để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đăng ký sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử, sử dụng khu làm việc chung, xúc tiến thương mại và đầu tư phát triển thị trường quốc tế.
(Bài được xuất bản trên Tc in Thương trường và Doanh nghiệp số T4/2022)
Minh Sơn – Hải Linh