Giá cà phê thế giới cao nhất 10 năm, nguồn cung có thể thiếu đến năm 2023
(HNTT) – Theo dự báo của các nhà khoa học, do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến năng suất cà phê trong năm 2021, năm 2022 và cả năm 2023…
Trong đó, trên thế giới có giá cà phê cao nhất trong 10 năm gần đây. Theo đó, giá cà phê giao tháng 12 năm nay trên sàn giao dịch ICE tại New York dao động quanh ngưỡng 2,34 USD/pound. Trong khi đó, ở thứ Năm tuần trước, giá cà phê đạt 2,46 USD/pound, cao nhất kể từ năm 2011 – thời điểm giá nông sản này nhảy vọt qua mốc 3 USD/pound.
Sau đó, vào thứ Sáu, giá cà phê tham chiếu của Hiệp hội Cà phê Quốc tế (ICA) là 2,07 USD/pound, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Chia sẻ về điều này, chiến lược gia hàng hóa cơ bản Ole Hansen của Saxo Bank, cho rằng trong 12 tháng qua, “một cơn bão hoàn hảo gồm các sự kiện đã thúc cà phê – một thức uống được ưa chuộng – tăng giá mạnh”.
Ông Hansen, nhấn mạnh: “Trong thời gian tới chúng ta nên chú ý đến những gì diễn ra ở Brazil trong năm 2021. Nhiệt độ ở Brazil đang thấp nhất trong nhiều thập kỷ, dẫn tới những đợt lạnh giá ở một số vùng trồng cà phê chủ chốt. Được biết, Brazil đã trải qua một đợt khô hạn trước đó. Tuy nhiên, thời tiết cực đoan như vậy sẽ đặt sản lượng cà phê của niên vụ 2022 vào một tình trạng tồi tệ”. Cùng với đó, các sự kiện thời tiết bất lợi sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến năng suất cà phê trong năm nay, năm 2022 và thậm chí cả năm 2023.
Tương tự, chiến lược gia hàng hóa cơ bản Ole Hansen của Saxo Bank cho hay: “Giá cà phê đã tăng lên ngưỡng 3 USD/pound vào năm 2011, và đó cũng là năm Brazil mất mùa cà phê”. Mặt khác, “thị trường đang đồn đoán liệu giá cà phê có tái lập mức đó hay không. Tôi cho rằng, với tình hình ở Brazil hiện nay, và các dự báo trong mấy tháng tới đây tiếp tục khẳng định sự suy giảm sản lượng cà phê, thì khả năng cà phê trở nên đắt đỏ hơn trong năm tới là rất thật”.
Bên cạnh thời tiết bất lợi ở Brazil, những nút thắt trong nguồn cung cà phê toàn cầu cũng có ảnh hưởng lớn đến thị trường vì các nhà sản xuất và các nhà rang xay cà phê – doanh nghiệp chế biến cà phê thô thành sản phẩm cuối cùng để đến tay người tiêu dùng – thường đặt tại các quốc gia khác nhau. Trong khi đó, sự bấp bênh của thị trường cà phê còn đến từ các quốc gia như Ethiopia – đất nước đang ngấp nghé bờ vực nội chiến. Bên cạnh đó, Việt Nam – nơi số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cà phê. “Tôi cho rằng chúng ta đang có một thị trường cà phê thắt chặt lần đầu tiên sau nhiều năm”, ông Hansen cho biết thêm.
Song song đó, ông Maximillian Copestake – Giám đốc phụ trách kinh doanh cà phê tại thị trường châu Âu của công ty Marex lại cho rằng cà phê đang ở trong “một cuộc đua tăng giá lớn do mất mát sản lượng”. Ông Copestake, nhấn mạnh: “Trong vòng 5-8 năm qua, nguồn cung cà phê của thế giới tập trung ở một hoặc hai nước sản xuất cà phê lớn, một là Brazil và hai là Việt Nam”.
Song song đó, ông Copestake cho biết thêm: “Nếu nguồn cung từ một trong hai nước này giảm sút, như tình trạng hiện nay, thì cả thị trường sẽ ‘phát điên’ và khuyến khích các quốc gia khác sản xuất thêm cà phê. Đó là nguyên lý nền tảng của thị trường, vấn đề đang nằm ở sự gián đoạn chuỗi cung ứng”.
Dịp này, ông Copestake chia sẻ thêm: “Tôi không cho rằng chúng ta đã thoát khỏi sự khan hiếm nguồn cung này, trên bất kỳ phương diện nào”, ông Copstake nhận định. “Nhưng khi giá tăng, nông dân trồng cà phê sẽ không tích trữ nữa, vì giá quá tốt để bán. Họ sẽ có lý do để trồng thêm cà phê. Tôi cho rằng,chúng ta đang ở trong một quá trình như thế”.
Theo Hồ Vĩnh Chung/Bestlife.net.vn