Startup không nên chỉ mong gọi được nhiều vốn
(HNTT) – Từ góc độ nhà đầu tư, bà Hoàng Thị Kim Dung, nhà đầu tư đến từ Quỹ Genesia Ventures của Nhật Bản, cho rằng startup sẽ cần trang bị các kỹ năng hoàn toàn mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay. Và không chỉ dừng lại ở ‘giấc mơ’ gọi vốn thật nhiều hay trở thành ‘kỳ lân’, mà cần có mục tiêu trở thành các công ty đại chúng…
Ảnh minh họa.
Trao đổi với VnEconomy về những thương vụ đầu tư lớn cho startup Việt đã được công bố gần đây với giá trị lên tới hàng chục hay hàng trăm triệu USD bất chấp những thách thức từ đại dịch Covid-19, bà Hoàng Thị Kim Dungcho rằng, đầu tư không phải là hoạt động có thể làm trong một sớm một chiều. Bất kỳ quỹ đầu tư nào khi muốn ra quyết định đầu tư đều phải gặp gỡ nhiều bên và tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau để kiểm chứng và xác thực thông tin.
Các quỹ có thể làm khảo sát thị trường, phỏng vấn khách hàng của startup. Họ cũng có thể phỏng vấn đối tác hay thậm chí tìm hiểu qua đối thủ của startup đó hay bất kỳ ai, kể cả các nhà đầu tư đã có cơ hội tiếp xúc và đồng hành cùng startup. Các quỹ phải làm việc rất nghiêm túc và cật lực để có được càng nhiều nguồn tin nhằm củng cố cho quyết định đầu tư.
Bà Hoàng Thị Kim Dung, nhà đầu tư đến từ Quỹ Genesia Ventures.
Tại Genesia Ventures cũng vậy. Khi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ những năm 2016, chúng tôi đã có tầm nhìn thập kỷ dành cho thị trường này. Với mỗi thương vụ đầu tư, chúng tôi cũng gửi gắm trong đó cả một tầm nhìn như vậy. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi đặt ra “deadline” cho startup, có nghĩa là trong 10 năm tới họ sẽ nhất định phải thành công.
Chúng tôi từng đã phải lục tung từng trang mạng xã hội, lắng nghe từng phản hồi của người dùng để cảm thấy tự tin rằng sản phẩm đủ thuyết phục thị trường hay đội ngũ sáng lập đủ tốt…
Trung bình, mỗi thương vụ đầu tư cần khoảng 3-6 tháng để chốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch như trong suốt hơn một năm qua, các quỹ đã học cách thích ứng với quy trình làm việc online nhiều hơn và chốt “deal” ngay cả khi giãn cách xã hội trên diện rộng.
Do đó, trong giai đoạn này, các startup càng cần phải có sự minh bạch về thông tin như cố gắng gia tăng sự hiện diện online để các nhà đầu tư có thể tiếp cận được nhiều nguồn thông tin nhất có thể. Đây cũng là cách mà startup tạo điều kiện để các quỹ có thể ra được quyết định đầu tư ở giai đoạn không thể có nhiều tương tác và gặp mặt trực tiếp như hiện nay.
GIẤC MƠ LỚN HƠN: TRỞ THÀNH CÔNG TY ĐẠI CHÚNG Nhiều người dùng chỉ số số lượng startup kỳ lân, hay gọi được nhiều vốn để đánh giá về độ trưởng thành của hệ sinh thái và đây cũng là định hướng của nhiều startup Việt. Quan điểm của bà thế nào?
Rõ ràng là khi có thêm kỳ lân, cả hệ sinh thái đều trở nên hừng hực khí thế và ai cũng muốn trở thành kỳ lân tiếp theo. Tuy nhiên, kỳ lân là một trạng thái, và startup đạt được trạng thái này từ định giá của một số nhà đầu tư. Định giá ấy có thể lên hoặc xuống.
Đà phát triển của thị trường giống như “một quả cầu tuyết”. Để tạo được cái đà phát triển cho hệ sinh thái, cần phải tạo nhiều câu chuyện thành công như vậy để từ đó giúp cải thiện niềm tin cho hệ sinh thái. Và khi cái đà này càng đi lên, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam sẽ có thể gia tăng quy mô rất nhanh.
Chúng ta đã từng chứng kiến các trường hợp định giá bị rớt mạnh, chẳng hạn như WeWork. Chúng tôi mong muốn startup khẳng định được vị trí của mình trong lòng khách hàng chứ không phụ thuộc vào định giá của bất kỳ ai. Đó chính là phát triển bền vững.
Khi gặp những công ty có định hướng và kỳ vọng làm sao để có thể trở thành công ty đại chúng hơn là mơ trở thành kỳ lân, tôi thực sự rất mừng. Bởi lẽ, IPO sẽ giúp những startup như vậy có thể tiếp cận và có được sự ủng hộ của số đông chứ không chỉ số ít nhà đầu tư, để tiếp tục lớn mạnh và trở thành một công ty xương sống của nền kinh tế.
Khi nhìn vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Nhật Bản, góc nhìn của nhà đầu tư và kỳ vọng vào hệ sinh thái của họ khá khác Việt Nam. Năm 2020 vừa qua, Nhật Bản có 7 công ty kỳ lân nhưng có tới 10 công ty hoàn thành IPO bất chấp Covid, nâng tổng số startup được giao dịch trên sàn chứng khoán là 93 công ty. Bên cạnh đó, có khoảng 1.686 startup gọi vốn được từ nhà đầu tư với số vốn là gần 6 tỷ USD.
Thị trường IPO của Nhật Bản dĩ nhiên là thuận lợi và đạt được độ chín và sự chuẩn chỉ hơn rất nhiều. Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên khi thành lập startup, các nhà sáng lập trên thị trường này cũng thường kỳ vọng sẽ có thể IPO hơn là trở thành kỳ lân. Và các nhà đầu tư thường thoái vốn khỏi startup khi các công ty IPO. Tôi cũng mong rằng, một ngày nào đó các startup Việt Nam sẽ cũng có thể giúp nhà đầu tư thoái vốn nhờ IPO hay M&A hơn là chỉ dừng ở thoái vốn ở các vòng đầu tư vòng sau.
Bởi khi có công ty IPO, các nhà đầu tư sẽ cực kỳ hạnh phúc, niềm tin trên hệ sinh thái sẽ được cải thiện nhiều, từ đó giúp thu hút thêm dòng tiền đổ vào thị trường. Đà phát triển của thị trường giống như “một quả cầu tuyết”. Để tạo được cái đà phát triển cho hệ sinh thái, cần phải tạo nhiều câu chuyện thành công như vậy để từ đó giúp cải thiện niềm tin cho hệ sinh thái. Và khi cái đà này càng đi lên, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam sẽ có thể gia tăng quy mô rất nhanh.
Đâu là các yếu tố mà các quỹ như Genesia Ventures nhìn vào đầu tiên và cảm thấy bị thu hút ở một startup?
Vì là quỹ đầu tư tập trung vào các startup ở giai đoạn sớm, đội ngũ con người là yếu tố đầu tiên mà chúng tôi nhìn vào. Chúng tôi luôn phải đặt câu hỏi rằng: liệu đội ngũ ấy có thể cùng đồng hành với mình ít nhất là trong thập kỷ tới hay không?
Genesia Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Nhật Bản với tổng giá trị 110 triệu USD. Quỹ hiện tập trung đầu tư vào các startup ở giai đoạn sớm, ở hai thị trường Nhật Bản và Đông Nam Á (bao gồm Indonesia, Việt Nam).
Bất kỳ một mô hình kinh doanh hay sản phẩm nào, một đội ngũ xuất sắc hoàn toàn có thể điều chỉnh được. Minh chứng là, dưới tác động của xã hội hay hoàn cảnh, ví dụ như trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều startup buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh thậm chí phải xây dựng lại sản phẩm, tập trung vào một tập khách hàng hoàn toàn khác trước khi Covid-19 xảy ra.
Trong khi đó, con người, đặc biệt là đội ngũ nhà sáng lập và những người gắn bó với startup từ những ngày đầu tiên là yếu tố rất khó điều chỉnh. Chúng tôi sẽ phải nhìn vào yếu tố này để xem họ có thể dễ dàng thích ứng với hoàn cảnh, và có thể đồng hành cùng nhau hay không?
Vì vậy, xây dựng mối quan hệ con người, tạo nên sự tin tưởng và có thể đồng hành cùng nhau trên môi trường online chính là một kỹ năng mới mà cả các nhà sáng lập và các quỹ đều cần trong bối cảnh hiện nay.
NGUYÊN LÝ “CHIẾC RỔ THỦNG“Vậy trong quá trình tiếp xúc với các startup non trẻ, các kỹ năng nào của các nhà sáng lập còn tồn tại điểm hổng lớn nhất cần phải khắc phục, thưa bà?
Đây thực sự cũng là điều tôi trăn trở khá nhiều. Từng làm việc và tiếp xúc với rất nhiều startup, một trong những điểm mà tôi thấy họ cần phải thay đổi đó là thiếu sự tập trung, vội vàng, hấp tấp. Xây dựng sản phẩm chuẩn chỉ và phù hợp với thị trường là một điều rất quan trọng đối với các startup. Nghĩa là, các nhà sáng lập của startup non trẻ cần phải xây dựng sản phẩm đủ để đẩy lên thị trường và sẵn sàng để “scale up” (mở rộng quy mô).
Tôi từng có bài viết “chiếc rổ thủng” để nói về sự hấp tấp, đốt cháy giai đoạn của startup khi sản phẩm chưa có độ hoàn thiện. Ở các trường hợp như vậy, dù startup có đổ rất nhiều tiền vào marketing, có rất nhiều người dùng chảy vào “cái rổ” đó, nhưng vì sản phẩm chưa hoàn thiện nên khách hàng đi vào rồi lại đi ra.
Đây là vấn đề vô cùng nhức nhối và gây ra sự lãng phí lớn cả về tiền bạc và thời gian cho các startup. Các nhà sáng lập cần phải có cái nhìn đúng đắn và chắc chắn rằng khách hàng khi dùng sản phẩm sẽ cảm thấy hài lòng.
Tôi rất thích tư duy kết thân với khách hàng. Khi đó khách hàng có thể trở thành các “cofounder” (nhà đồng sáng lập) của sản phẩm, cùng đồng hành, hoàn thiện và tâm huyết với sản phẩm. Tôi hy vọng sẽ ngày càng nhiều startup có thể xây dựng được tập khách hàng là các fan hâm mộ. Từ đó, khách hàng sẽ ở lại cùng sản phẩm chứ không rời đi như trong nguyên lý “cái rổ thủng” mà tôi vừa đề cập ở trên.
Theo bà, các startup ở trong các lĩnh vực nào sẽ thu hút các quỹ đầu tư nhiều nhất trong thời gian tới?
Có một công thức bất biến trên thị trường và ai có đủ độ nhạy bén với công thức ấy và có sản phẩm phù hợp sẽ thu hút được các quỹ đầu tư. Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19 và hậu Covid-19, công thức đó sẽ trở nên rõ nét hơn.
Thứ nhất, chúng ta có thể thấy, ở giai đoạn này, túi tiền của cả cá nhân và doanh nghiệp đều đang mỏng đi. Xu hướng tiết kiệm hay mong muốn tiếp cận sản phẩm, dịch vụ với một chi phí phải chăng nhất hoặc linh hoạt nhất về hình thức thanh toán sẽ nổi lên. Bất kỳ sản phẩm nào đáp ứng được nhu cầu đó, cung cấp với một mức giá và có hình thức thanh toán linh hoạt, khác biệt so với các sản phẩm đã có trên thị trường sẽ có nhiều cơ hội.
Thứ hai, mọi người muốn tăng thu nhập trong giai đoạn này. Những sản phẩm hay dịch vụ có thể hỗ trợ cá nhân hay doanh nghiệp có thể gia tăng doanh thu, tạo ra dòng tiền mới sẽ có nhiều cơ hội. Chúng tôi đang chuẩn bị đầu tư vào một công ty như vậy. Đó là một nền tảng tạo ra cơ hội việc làm mới cho nhiều phụ nữ trong giai đoạn này.
Thứ ba, các sản phẩm và dịch vụ giúp tối ưu hóa chi phí. Trước đây, doanh nghiệp còn nhiều dè dặt khi đầu tư vào các hệ thống như vậy, nhưng hiện nay “chạy bằng cơm” sẽ không nổi nữa. Giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp đang tiến hành chuyển đổi số hay làm việc từ xa. Vì vậy, các phần mềm quản lý doanh nghiệp và tối ưu quản lý vận hành sẽ có nhiều cơ hội. Nhiều quỹ đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các nền tảng Saas (phần mềm dạng dịch vụ) là vì vậy.
Hoàng Thu
https://vneconomy.vn/startup-khong-nen-chi-mong-goi-duoc-nhieu-von.htm