Doanh nghiệp

ADB Ventures hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

(HNTT) – Chuỗi chương trình về khí hậu (Series Climatic) của ADB Ventures thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là cuộc gặp gỡ giữa các nhà khởi nghiệp và nhà đầu tư trong khu vực châu Á Thái Bình Dương nhằm giới thiệu các công nghệ mới cho và lan toả thông điệp từ các startup “xanh” trên toàn châu Á. Mới đây, ADB Ventures cũng công bố chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với mục tiêu hỗ trợ nguồn vốn và chuyên môn cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Điều này cho thấy, ADB đang rất chú trọng cho việc đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Series Climatic có sự dẫn dắt duyên dáng của MC Thái Vân Linh – Nhà sáng lập TVL Group.

Vai trò của công ty khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Theo báo cáo năm 2020 của Mckinsey về “Ứng phó và rủi ro khí hậu: Các hiểm họa vật lý và tác động kinh tế xã hội”, vào năm 2050, các khu vực ở châu Á có thể trải qua tình trạng nhiệt độ trung bình ngày càng tăng, các đợt nắng nóng gây chết người, các hiện tượng thiên tai bão lụt và hạn hán và tình trạng thiếu hụt nguồn nước sạch. Trong bối cảnh châu Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, rất cần có kế hoạch hành động cấp thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả của biến đổi khí hậu.

Vai trò của các công ty khởi nghiệp trong kế hoạch phát triển này là vô cùng thiết yếu. Khi công nghệ ngày càng tốt hơn và quá trình chuyển đổi các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn thay thế diễn ra nhanh hơn, các công ty khởi nghiệp có lợi thế về tốc độ so với công ty truyền thống. Các công nghệ cốt lõi mang tính đột phá từ startup có thể đưa ra giải pháp mới cho một vấn đề cũ, góp phần đẩy nhanh tiến trình “xanh” hóa các ngành công nghiệp truyền thống.

Series Climatic ra đời ở một thời điểm vô cùng quan trọng, khi cả khu vực đang bàn luận sôi nổi về chủ đề công nghệ biến đổi khí hậu. Các ngành công nghiệp chủ chốt trên toàn khu vực đang gia tăng nhu cầu đổi mới công nghệ và áp dụng các giải pháp cải thiện hiệu suất kinh doanh cũng như tác động của khí hậu. Series Climatic sẽ có bốn phần chính: 1) Teaser – Open Call: phần mở đầu kêu gọi doanh nghiệp trên toàn khu vực châu Á tham gia vào chuỗi chương trình; 2) Talkshow Climatic: một tọa đàm quy tụ các chuyên gia đầu ngành, các doanh nhân tạo ra tác động tích cực đến cuộc chiến biến đổi khí hậu và các nhà đầu tư đang rót vốn cho doanh nghiệp của họ; 3) Climatic Solution Showcase: chương trình truyền hình thực tế, nơi các nhà đầu tư mạo hiểm khó tính nhất trên thế giới đưa ra quyết định đầu tư về các công ty khởi nghiệp đang phát triển trong lĩnh vực khí hậu – công nghệ; 4) Climatic Clubhouse: một diễn đàn mở để thảo luận về các giải pháp công nghệ hiện có và cơ hội mở rộng quy mô ở châu Á – Thái Bình Dương.

Ở chuỗi nội dung đầu tiên, ngành công nghiệp xây dựng được chọn làm chủ đề trung tâm mở đầu. Chỉ tính riêng hoạt động xây dựng những nơi chúng ta đang sống và làm việc, đã đóng góp 11% vào lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Việc vận hành tòa nhà sau khi xây dựng cũng mang lại không ít tác động tiêu cực cho môi trường. Các tòa nhà tạo ra gần 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm, sử dụng 35% nguồn tài nguyên, 40% nguồn năng lượng và sử dụng 12% tổng lượng nước sạch toàn cầu.

Trong phần Climatic Solution Showcase có sự xuất hiện của 3 startup công nghệ đột phá sẽ tranh tài để giành lấy cơ hội phát triển trong lĩnh vực xây dựng khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ba ứng viên trong tập này bao gồm: 1) Caidio – một startup công nghệ xây dựng Phần Lan có hoạt động làm việc và mua bán trực tiếp tại Trung Quốc (Caidio phát triển các sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo để tăng chất lượng, giảm rác thải và giảm CO2 trong quá trình sản xuất bê tông); 2) viAct – một startup Hồng Kông cung cấp công nghệ thị giác dựa trên trí tuệ nhân tạo giúp tự động hóa việc giám sát, làm tăng hiệu suất làm việc, an toàn và tiết kiệm thời gian trên công trường; 3) WaveScan là startup công nghệ của Singapore, chuyên sản xuất công nghệ quét xuyên vật liệu và thuật toán AI cao cấp để quét cấu trúc với độ phân giải cao. Các công nghệ mới sẽ mang lại một tương lai thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng hơn cho ngành công nghiệp truyền thống này. Các giải pháp này sẽ thay đổi cách thức xây dựng nhà và cơ sở hạ tầng, giúp công trình xây dựng sạch, xanh và thân thiện hơn với môi trường. Bên cạnh đó, giải pháp xây dựng thông minh còn mang đến lợi ích cho mỗi cư dân, người sử dụng tòa nhà khi đưa ra các giải pháp giúp giảm chi phí vận hành đồng thời cải thiện chất lượng, hiệu suất và độ bền chung của công trình.

Sau cuộc trò chuyện về ngành xây dựng, phần tiếp theo Series Climatic hướng đến một cuộc cách mạng “điện hóa” trong ngành giao thông vận tải. Năm 2020 mang theo đại dịch Covid-19, làm gián đoạn hầu hết các ngành công nghiệp và giảm doanh số xe ô tô trên toàn cầu đến 16%. Tuy nhiên, lượng người mua xe ô tô chạy bằng điện đã tăng 41%, chỉ tính riêng phân khúc phương tiện ô tô chở khách và chưa bao gồm xe ba bánh và xe máy điện.

Chiếc xe điện không chỉ sẽ thân thiện với môi trường về mặt vẫn hành mà còn về khía cạnh cấu tạo. Chia sẻ trong phần Talkshow, Công ty công nghệ Summit Nanotech do công ty đầu tư Wavemaker tài trợ đang khám phá các cách chiết xuất lithium thân thiện với môi trường hơn, nhanh hơn với giá cả phải chăng, một điều mà ngành công nghiệp xe điện sẽ cần để phát triển. The Flow – một công ty đang nghiên cứu về pin dòng chảy (flow) có thể dễ dàng sử dụng trong các trạm dịch vụ hiện có để giảm bớt một số khó khăn về nguồn năng lượng mà chủ xe điện có thể gặp phải.

Quỹ đầu tư ADB Ventures cũng đã nhanh chóng tham gia vào thị trường xe điện với hoạt động rót vốn cho startup Euler Motors đến từ Ấn Độ. Saurav Kumar – nhà sáng lập Euler Motors cho biết, công ty được thành lập với mục tiêu giúp chống lại biến đổi khí hậu bằng cách giảm ô nhiễm không khí. Mặc dù startup Euler Motors vẫn chỉ mới ở giai đoạn đầu phát triển, công ty được dự đoán sẽ phát triển trong tương lai. Chỉ trong tháng trước, họ đã nhận được đơn đặt hàng 2.500 chiếc xe điện ba bánh từ các công ty thương mại điện tử và tạp hóa ở Ấn Độ. Công ty đang tập trung phát triển ở thị trường Ấn Độ với sự hỗ trợ từ chính sách thân thiện với xe điện của chính phủ Ấn Độ, trước khi mang sản phẩm của mình ra thế giới.

Cơ hội đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam

Mới đây, ADB đã công bố chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” cho Việt Nam thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ một số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển các giải pháp công nghệ có thể tạo ra sự thay đổi tích cực. Các đối tượng ưu tiên của Dự án là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực: công nghệ sạch (cleantech); công nghệ tài chính (fintech); nông nghiệp (agritech) và sức khỏe, y tế (healthtech).

Với khoản tài trợ 1 triệu USD dành cho Việt Nam trong thời gian từ năm 2021 đến 2023, ADB Ventures sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tiếp cận nguồn vốn viện trợ và đầu tư cũng như các kỹ năng để phát triển kinh doanh. Dự kiến sẽ có khoảng hơn 20 dự án thử nghiệm ADB Ventures Lab và dự kiến khoảng 10 doanh nghiệp tại Việt Nam nhận được khoản tài trợ ADB Ventures SEED. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, phát triển công nghệ giải quyết những khó khăn và rủi ro thị trường cao trong giai đoạn đầu; khuyến khích doanh phát triển các giải pháp công nghệ có thể tạo ra sự thay đổi tích cực đến biến đổi khí hậu, bình đẳng giới.

Theo Nguyễn Thị Thúy Hằng/Tc KH&CNVN

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button