Quảng Bình: Miếu Thành Hoàng một điểm du lịch lịch sử ngời sáng để giáo dục các thế hệ
(HNTT) – Tọa lạc trên đồi Lòi Dạ, thôn Tân Lực, xã Tân Thủy. huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) Phía đông giáp làng Trung Lực, phía tây giáp làng Mỹ Thổ. Từ thành phố Đồng Hới vào phía tây nam khoảng 50km là tới di tích lịch sử này.
Toàn cảnh Miếu Thần Hoàng hôm nay
Miếu thành hoàng Mỹ Thổ – Trung Lực gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu của Đảng bộ Quảng Bình. Trong đó, với những ngày đầu phấn đấu để đi đến việc thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở phía Nam tỉnh Quảng Bình, cuộc đấu tranh để giữ gìn, phát triển phong trào cách mạng, gắn liền với cuộc vận động giải phóng dân tộc của tỉnh, của nước trong cách mạng tháng Tám.
Ngày 3-2-1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, một phong trào đấu tranh được Đảng phát động trong toàn quốc, đặc biệt là cao trào 1930-1931, Xô Viết – Nghệ Tĩnh ra đời cổ vũ phong trào các địa phương. Vào những năm 1929 – 1930, những thanh niên hăng hái đầy nhiệt huyết của Trung Lực – Mỹ Thổ đi tìm cách mạng, mang trong mình tinh thần yêu nước, bằng nhiều con đường trong những thời gian khác nhau đã lần tìm bắt liên lạc với Đảng…
Đêm 17-11-1931, tại miếu thành hoàng làng Trung Lực, đồng chí Đoàn Bá Thừa thay mặt Đảng kết nạp 3 đồng chí Chất, Sản, Đông vào Đảng cộng sản Đông Dương. Cũng đêm đó, đồng chí Đoàn Bá Thừa thay mặt cấp uỷ cấp trên quyết định thành lập chi bộ Mỹ Trung, chi bộ Đảng đầu tiên ở phía Nam tỉnh. Chi bộ do đồng chí Chất làm Bí thư, mở đầu một thời kỳ mới, một bước ngoặt quan trọng trong đời sống chính trị và tình cảm của nhân dân hai làng Mỹ Thổ – Trung Lực và phong trào đấu tranh ở vùng Nam Quảng Bình.
Miếu Thần Hoàng
Đến tháng 6-1932, chi bộ đã có 9 đồng chí, chi bộ cử ra chi ủy, phân công một số việc: Thành lập đội xích vệ, gây quỹ tạo vốn, tiếp chuyển tài liệu từ Vĩnh Linh ra Lệ Thủy và ngược lại. Chi bộ đã phát động quần chúng đấu tranh, thu được một số thành công bước đầu: Năm 1935, chi bộ phát triển lên 12 đồng chí với một đội xích vệ khá mạnh. Các hội quần chúng của Đảng đã có hàng trăm người tham gia.
Cơ sở Đảng Mỹ Thổ – Trung Lực đã mở rộng diện vận động quần chúng ra các vùng phụ cận như Thái Xá, Thượng Lâm, Thủy Liên… Liên lạc với 13 cơ sở trong huyện. Chi bộ đã lãnh đạo 2 cuộc đấu tranh lớn vận động quần chúng cùng với cả huyện chuẩn bị biểu tình đón Gô Đa, đưa nguyện vọng đòi dân sinh dân chủ. Đây là cuộc vận động lớn đo Trung ương Đảng lãnh đạo, lấy Mỹ Thổ làm nơi hội quân, huy động chi bộ Mỹ Trung làm công tác chuẩn bị. Thế nhưng có lệnh hoãn cuộc biểu tình, chi bộ Mỹ Trung và đội xích vệ của chi bộ đã bí mật nhanh chóng thông báo cho các cơ sở trong huyện hoãn cuộc biểu tình. Đây là cố gắng lớn, đáng ghi nhận của chi bộ Mỹ Trung. Cuộc đấu tranh đòi chia lại công điền, công thổ, xoá bỏ lễ bất công. Đây cũng là chủ trương lớn của cấp trên đối với vùng Lệ Thủy. Đảng đã huy động quần chúng kéo thẳng lên huyện đường đấu tranh với tên tri huyện Lệ Thủy. Trong đấu tranh, cơ sở Đảng củng cố, phát triển, chi phối các hoạt động đấu tranh của quần chúng hai làng…
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, tin này truyền nhanh đến Mỹ Thổ – Trung Lực. Ngày 27/3/1945, đồng chí Võ Hồ Thanh (Võ Hậu), đồng chí Nguyễn Văn Đồng (Đồng Sỹ Nguyên) về nối lại liên lạc và chỉ thị của cấp trên đối với Mỹ Thổ – Trung Lực. Cuối tháng 6/1945, Ban thống nhất Trung Kỳ cử đồng chí Hồng Xích Tâm vào truyền đạt chỉ thị của Trung ương, lời kêu gọi của Ban thống nhất Trung Kỳ cho các cơ sở ở Quảng Bình và liên lạc với đồng chí Võ Hồng Thanh ở Mỹ Thổ – Trung Lực và đồng chí Trần Hữu Dực, chuẩn bị thành lập cơ quan lãnh đạo chung của tỉnh. Đầu tháng 7/1945, Hội nghị các Đảng bộ toàn tỉnh triệu tập tại chùa An Xá. Đồng chí Lê Thuận Khuông, Bí thư Chi bộ Mỹ Thổ – Trung Lực là một trong 13 đại biểu dự Hội nghị đó. Hội nghị thành lập mặt trận Việt Minh tỉnh tại An Sinh, quyết định trụ sở tỉnh bộ đóng tại Mỹ Thổ. Như vậy, Mỹ Thổ – Trung Lực là mảnh đất có vinh dự chứng kiến nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Nam Quảng Bình và cũng là nơi trụ sở đầu tiên mà tổng bộ Việt Minh đóng. Chi bộ Mỹ Trung đã xây dựng cơ sở quần chúng ở 18 cơ sở phụ cận gồm các hành lang trong 7 xã: Sen Thủy, Hưng Thủy, Cam Thủy, Mỹ Thủy, Thái Thủy, Dương Thủy, Ngư Thủy ngày nay. Chi bộ cử 4 đồng chí vào đội tự vệ cảm tử của huyện để tham gia diệt tề trừ gian.
Bên trong nhà truyền thống khu di tích lịch sử Miếu Thần Hoàng còn lưu lại nhiều kỷ vật
Đêm 22 rạng 23 tháng 8, quần chúng cách mạng Mỹ Thổ – Trung Lực và 18 làng phụ cận chia thành 4 mũi kéo thẳng lên huyện đường Lệ Thuỷ cùng với các mũi tiến công khác trong huyện tiến hành hợp vây giành chính quyền ở huyện, góp phần cùng cả tỉnh cả nước làm nên cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 thành công thắng lợi.
Trên vùng bán sơn địa Mỹ Thổ – Trung Lực, tại miếu thành hoàng lịch sử, một chi bộ Đảng vài người được thành lập, qua một thời kỳ đấu tranh gian khổ, hy sinh, chi bộ Mỹ Thổ – Trung Lực thực sự là hạt giống tốt gieo mầm nảy nở và bám chắc rễ vào phong trào quần chúng, họ đã cùng các thế hệ vào sinh ra tử, phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mà Đảng và Bác Hồ vạch ra.
Hiện nay, di tích đã được đầu tư kinh phí gần 10 tỷ đồng, trùng tu lại miếu, cổng vào di tích và một tấm bia hoành tráng đã được dựng lên ghi lại sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ này. Hàng năm cứ vào ngày 17/11 Đảng bộ và nhân dân huyện Lệ Thủy tổ chức dâng hương, viếng thăm di tích. Đây thực sự là địa chỉ đỏ ngời sáng để giáo dục các thế hệ trẻ, là điểm tham quan cho du khách thập phương đến với quê hương Đại Tướng.
Một số hình ảnh khu di tích lịch sử Miếu Thần Hoàng:
Theo Hoàng An/Bestlife.net.vn