Xã hội

Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng

(HNTT) – Nêu thực tế trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc gia tăng sử dụng mạng internet, mạng xã hội đã làm gia tăng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm tín dụng đen…, các đại biểu đề nghị, tới đây Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tăng cường phối hợp, phát hiện, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên không gian mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm tín dụng đen, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, buôn bán hàng giả, các loại vật tư y tế, thuốc chữa bệnh không đảm bảo chất lượng…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kiềm chế sự gia tăng của tội phạm

Thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, các đại biểu tại các điểm cầu cơ bản nhất trí cao với nội dung các báo cáo.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn ra ở nhiều nơi, phổ biến là các hành vi không tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh, làm lây lan dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng…

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tập trung cao độ cho nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gắn với phát triển kinh tế – xã hội, triển khai đồng bộ các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, chống tội phạm vi phạm pháp luật, qua đó kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự.

Nhiều đại biểu đánh giá cao Bộ Công an đã triển khai thực hiện quyết liệt các dự án, đề án như dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sản xuất cấp, quản lý căn cước công dân, đề án bố trí công an chính quy, đảm nhiệm các danh công an xã, đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Tuy nhiên, các đại biểu chỉ ra một số vấn đề đáng quan tâm như tội phạm hiếp dâm trẻ em gia tăng, tội phạm giết người có nhiều vụ  có tính chất dã man, tàn bạo, tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng, hoạt động của tội phạm tín dụng đen với phương thức, thủ đoạn tinh vi trá hình gây bức xúc trong nhân dân. ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho biết thêm, do nhiều địa phương giãn cách, hạn chế đi lại, gia tăng làm việc trực tuyến, sử dụng intenet, mạng xã hội nên tội phạm vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao gia tăng, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cá độ bóng đá xảy ra nhiều.

Nhiều địa phương đã bắt giữ hàng trăm vụ liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp, lợi dụng chính sách ưu tiên hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe luồng xanh để vận chuyển trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, tình trạng tụ tập đông người, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy vẫn diễn ra ở một số địa phương, kể cả trong thời gian giãn cách xã hội.

Các vi phạm và tội phạm trên lĩnh vực tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường liên quan đến phòng, chống dịch bệnh vẫn diễn ra và tiềm ẩn phức tạp ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch. COVID-19.

Mức hình phạt với hành vi chống người thi hành công vụ chưa đủ sức răn đe

Đồng tình với những khó khăn, vướng mắc mà Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra, ĐB Cầm Thị Mẫn cho rằng, công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật chưa đồng bộ, còn kẽ hở để các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, nhất là đối với các tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, mức hình phạt đối với một số hành vi phạm tội chống người thi hành công vụ, xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, xâm phạm môi trường còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Một số quy định trong Bộ luật tố Tụng hình sự chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay mà chúng ta đang tiến hành các bước sửa đổi để ban hành bổ sung.

Trên cơ sở những phân tích, đánh giá trên, có ý kiến đại biểu đề nghị, Quốc hội cần tiếp tục chỉ đạo, tăng cường công tác xây dựng, giải thích pháp luật, hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là cho ý kiến xem xét, thông qua các dự án luật liên quan trực tiếp đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. ĐB Cầm Thị Mẫn đề nghị, Chính phủ Chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan quan tâm hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, biên chế cho lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống tội phạm ở các địa phương.

Tới đây, dự báo đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng tội phạm tiếp tục lợi dụng tình hình để thực hiện hành vi phạm tội, do vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tăng cường công tác phối hợp, phát hiện, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên không gian mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm tín dụng đen, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, buôn bán hàng giả, các loại vật tư y tế, thuốc chữa bệnh không đảm bảo chất lượng, tội phạm không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo daibieunhandan.vn

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button