‘Vấn nạn thổi phồng’ công dụng thực phẩm chức năng
(HNTT) – Về bản chất, thực phẩm chức năng có tác động tốt với sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, nếu sản phẩm được ‘thổi phồng’ về công dụng so với giá trị thực thì sẽ gây hậu quả khôn lường.
Sản phẩm Xuyên Tâm Liên CV19 không có tác dụng phòng, chống dịch Covid-19 như quảng cáo.
Muôn vàn mánh lới tiếp cận người dùng
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vừa qua, cơ quan này đã phát hiện 2 sản phẩm Xuyên Tâm Liên được quảng cáo là có tác dụng phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, một trong hai sản phẩm này là Xuyên Tâm Liên CV19 có vỏ màu đỏ, sản phẩm thứ hai là Xuyên Tâm Liên CV19 có vỏ màu xanh.
Một sản phẩm Xuyên Tâm Liên khác, dù chưa được cấp phép song vẫn được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng. Cụ thể, trên hộp sản phẩm này có ghi là được sản xuất và chịu trách nhiệm bởi Công ty Cổ phần Liên doanh dược mỹ phẩm Diamond Pháp (Khu công nghiệp Đồng Văn 2, Hà Nam); được Công ty TNHH Hằng Thu Pharma (số nhà 68 – đường Lương Văn Can, Khu AT, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) phân phối. Tuy vậy, sau khi kiểm tra thông tin sản phẩm, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, khẳng định, Công ty TNHH Hằng Thu Pharma chưa đăng ký bản công bố sản phẩm cho thực phẩm chức năng Xuyên Tâm Liên tại Cục. Hình ảnh giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có số đăng ký: 01/DMP/2021, cấp ngày 2-7-2021, có dấu đỏ của Cục An toàn thực phẩm, là giả mạo.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng phát hiện 2 sản phẩm thực phẩm chức năng là Viên Đa Xoang và Dưỡng Sắc Khang giả mạo trên thị trường. Đồng thời, Cục đã chuyển hồ sơ đến cơ quan công an để điều tra hành vi có dấu hiệu hình sự.
Ngoài giả mạo sản phẩm, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, nhu cầu mua sắm online bùng nổ cũng là mảnh đất màu mỡ cho sản phẩm thực phẩm chức năng tiếp cận người tiêu dùng. Những mỹ từ nhằm thổi phồng, thần thánh hóa công dụng của thực phẩm chức năng mà các trang mạng đưa ra khiến không ít người tiêu dùng “sập bẫy” chỉ sau một cú click chuột. Chẳng hạn, sản phẩm Toha Fast là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, được cấp phép quảng cáo chỉ với công dụng lợi tiểu, lợi mật, hỗ trợ đào thải cặn sỏi, nhưng trong rất nhiều quảng cáo, sản phẩm này luôn được nhấn mạnh là phương thuốc có khả năng điều trị bệnh lý về sỏi thận. Hay như sản phẩm Yakumi, dù chỉ là thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm axít dịch vị, bảo vệ niêm mạc dạ dày, nhưng được “tô vẽ” công dụng là thuốc điều trị dứt điểm các bệnh về dạ dày, đại tràng, là sản phẩm dạ dày đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ Nano lượng tử của Nhật Bản. Đáng ngại hơn, trong các quảng cáo, sản phẩm Yakumi còn được cắt ghép, gắn với hình ảnh của một số người nổi tiếng, thầy thuốc uy tín để dẫn dụ người tiêu dùng.
Nêu hệ quả của việc tin dùng các sản phẩm thực phẩm chức năng được thần thánh hóa, bác sĩ Hoàng Nam Phong, Phó Trưởng khoa Kiểm tra sức khỏe (Bệnh viện E), bác sĩ chuyên khoa về thận, tiết niệu cho hay, anh từng gặp rất nhiều người bệnh phải đối diện với tình trạng suy thận độ 3, độ 4, phải lọc máu, chạy thận suốt đời do lạm dụng thực phẩm chức năng, làm chậm quá trình điều trị bệnh.
“Sai ở đâu, xử ở đó”
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, ngay từ đợt dịch đầu tiên cho đến đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, cơ quan này liên tục cảnh báo rằng, không có loại thực phẩm chức năng nào (gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học) có tác dụng chữa bệnh, điều trị bệnh, đặc biệt là điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Cơ quan chức năng đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai quy định. Ngoài hành vi vi phạm quy định về quảng cáo liên quan đến điều trị cho bệnh nhân Covid-19, theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, hiện qua quá trình hậu kiểm Bộ Y tế phát hiện một số sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo loại sản phẩm này như là thuốc chữa bệnh.
Một vi phạm khác của nhiều cơ sở, theo ông Phong, đó là quảng cáo lừa dối người tiêu dùng bằng nhiều cách: Lấy danh nghĩa tặng quà từ thiện nhưng thực chất là bán thực phẩm chức năng; mạo danh cơ quan y tế, cơ quan quân đội, công an; quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng có thể chữa tiểu đường, huyết áp, xương khớp.
Để quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục An toàn thực phẩm sẽ trực tiếp lấy mẫu và đề nghị các địa phương thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm, tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới tay người tiêu dùng. Tuy vậy, người đứng đầu Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, thị trường thực phẩm chức năng “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi trên thị trường.
Đề cập đến biện pháp quản lý, theo bà Lưu Thị Hồng, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, dù còn nhiều khó khăn nhưng các cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa, xử lý thật nghiêm, thật triệt để các sai phạm liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng. Bà Hồng cũng kiến nghị, cần siết chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật của thực phẩm chức năng, kiểm soát chặt chẽ về giá, thành phần công bố, hồ sơ quảng cáo để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. “Các doanh nghiệp muốn hoạt động thì phải tuân thủ các quy chuẩn, quy định, tuyệt đối không dễ dãi và thỏa hiệp, bởi đây là vấn đề liên quan tới sức khỏe, tính mạng của người dân” – nguyên Vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em khẳng định.
Theo Mộc An/hanoimoi.com.vn