Kinh tế

Ngành chăn nuôi đối mặt nguy cơ đứt gãy sản xuất

(HNTT) – Hiện nay thị trường lợn hơi và giá gia cầm xuất chuồng đang giảm mạnh trong khi các loại thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm đồng loạt tăng giá đã tác động tiêu cực đến lĩnh vực chăn nuôi… 

Thời điểm này, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Giá lợn hơi, gia cầm thương phẩm xuất chuồng tiếp tục giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao. Người chăn nuôi gia súc, gia cầm đang lâm vào cảnh thua lỗ, vì giá xuất chuồng thấp hơn giá thành sản xuất.

Theo Cục Chăn nuôi, tính chung 9 tháng của năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn, giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với gia súc ăn cỏ, đàn bò cả nước hiện đạt gần 6,3 triệu con, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020; đàn trâu còn 2,34 triệu con, giảm 3,8%; hiện nay cả nước có trên 2,65 triệu con dê và khoảng 115.000 con cừu.

Đàn lợn cả nước đến hết tháng 9/2021 có khoảng 28 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Những địa phương có đàn lợn lớn như Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa. Sản lượng thịt lợn hơi cả nước trong 9 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,9 triệu tấn.

Giá lợn hơi liên tục giảm sâu, khiến người chăn nuôi rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng nề

Vừa qua do giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng giảm nhiều, nên đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng khoảng 30% đã quá tuổi xuất bán. Vấn đề này đã gây tác động tiêu cực dây chuyền, khiến giá thịt lợn xuất chuồng đang giảm rất mạnh.

Cụ thể, nếu như trong tháng 3 và 4/2021, giá lợn hơi xuất chuồng vào khoảng 70.000-75.000 đồng/kg thì đến tháng 7, 8 giảm còn 50.000-55.000 đồng/kg. Sang tháng 9/2021 giá tiếp tục giảm. Tính đến thời điểm hiện tại, giá lợn hơi bình quân đang dao động chỉ từ 40.000-49.000 đồng/kg tùy từng vùng.

“Hôm nay có nơi báo với tôi, lợn hơi đã giảm xuống mức 33.000-35.000 đồng/kg, thương lái vẫn không muốn bắt”, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin.

Lý giải về tình trạng bi đát của ngành chăn nuôi hiện nay, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, nguyên nhân là do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới và Việt Nam khiến đứt gãy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi.

Tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương năm 2021” ngày 9/10, do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam, khẳng định hiện nay tất cả các sản phẩm chăn nuôi trong nước đều đang bán dưới giá thành khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng nề.

Theo Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cả nước một năm tương đương 20 triệu tấn, và chia theo cơ cấu các sản phẩm chăn nuôi như lợn, gà, trứng… thì với giá bán như thời gian qua, tổng lỗ của các công ty chăn nuôi và nông dân trong nước trong năm 2021 dự kiến không dưới 80.000 tỷ đồng, cao hơn 10 lần khoản lỗ của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) công bố tại đại hội cổ đông vừa qua.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá gia cầm thương phẩm xuất chuồng tiếp tục giảm

Để tháo gỡ khó khăn chất chồng cho ngành chăn nuôi, Cục Chăn nuôi kiến nghị Chính phủ 5 vấn đề.

1: Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

2: Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vaccine ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa. Các lái xe và người trên xe sau khi đã được tiêm phòng 2 mũi vaccine thì có thể miễn xét nghiệm hoặc kéo dài thời gian xét nghiệm 1 tháng/lần, để giảm chi phí vận chuyển và tạo điều kiện cho lưu thông.

3: Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại việc thực hiện “3 tại chỗ” để phù hợp với thực tiễn từng loại hình doanh nghiệp. Phải có các quy định phù cho các cơ sở giết mổ và chế biến khó thực hiện “Ba tại chỗ” có thể định kỳ test nhanh người lao động trực tiếp làm việc.

4: Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do COVID-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

5: Chính phủ có chỉ thị các bộ ngành, địa phương tăng cường sản xuất, lưu thông hàng hóa và xuất khẩu. Cùng với đó, có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh những kiến nghị gửi tới Chính phủ, Cục Chăn nuôi đề nghị nhiều nội dung tới các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế về việc xem xét mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối; đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử; không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong điều kiện COVID-19.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính cần sớm có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết nguyên đán 2022.

Theo Tầm nhìn

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button