Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) – VNPT: Toạ đàm tư vấn giáo dục tiểu học – Dạy học, thực hành STEM tại trường và tại nhà
(HNTT) – Ngày 10/10/2021, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và VNPT đã tổ chức buổi tọa đàm tư vấn giáo dục tiểu học với chủ đề “Dạy học, thực hành STEM đơn giản tại trường và tại nhà cấp tiểu học”. Tham dự buổi tọa đàm có: TS. Bùi Thị Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN); ThS. Đinh Thu Hồng – chuyên gia giáo dục tại bang Georgia (Hoa Kỳ). Được biết, buổi toạ đàm được tổ chức trực tuyến và thu hút trên 5.000 giáo viên tiểu học theo dõi trực tiếp tại một số nền tảng mạng xã hội.
Theo đó, STEM là một chương trình giảng dạy kết hợp Toán (Math) với Khoa học tự nhiên (Science) cùng Công nghệ (Technology). Qua đó, nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn. Mặt khác, yếu tố Kỹ thuật (Engineering) nằm ngay trong quá trình thực hiện dự án để giải quyết vấn đề.
Chia sẻ về điều này, ThS. Đinh Thu Hồng cho rằng, việc học STEM rất quan trọng để trẻ em Việt Nam sớm hòa nhập với thế giới sau này. Thế nhưng, nếu chưa hiểu đến bản chất vấn đề thì rất khó làm đúng, dạy đúng, đầu tư thời gian và tài chính đúng đắn cho việc học STEM của trẻ.
ThS. Đinh Thu Hồng chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Cùng với đó, STEM hứa hẹn mang đến những trải nghiệm hoạt động học tập thú vị, chú trọng giao tiếp trong một bài học đơn lẻ căn cứ trên một vấn đề hay trong một dự án gồm nhiều bài học khác nhau và xâu chuỗi với nhau. Trong đó, bài học lẫn dự án đều xuất phát từ thực tiễn; đều gồm các quá trình thiết kế, sáng tạo, phân tích dữ liệu, ứng dụng công cụ của đời sống để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề.
Theo ThS. Đinh Thu Hồng chia sẻ sâu hơn với giáo viên và phụ huynh về các chương trình giáo dục STEM tại Mỹ và cho rằng, việc triển khai một bài học STEM cần được bắt đầu từ Khoa học tự nhiên, điển hình như Khoa học sự sống, vật lý và Trái đất, đồng thời lồng ghép nội dung của các yếu tố Toán, Công nghệ và Kỹ thuật trong nội dung bài học.
Cụ thể, phương pháp thực hành STEM, STEM+ chuẩn Mỹ bằng một vấn đề mang tính thời sự “STEM+ tái tuần hoàn rác thải thông minh, như: từ ý tưởng đến hành động trong các trường tiểu học”.
Tại toạ đàm, TS. Bùi Thị Thanh Hương đã hướng dẫn giáo viên bậc tiểu học lồng ghép các vấn đề xã hội vào nội dung bài giảng STEM. Từ việc tái hiện những không gian các trường tiểu học ở nước ngoài được tạo nên từ các sản phẩm tái chế của học trò đến các vấn nạn rác thải tại các trường tiểu học ở Việt Nam đặc biệt là rác thải sau các thảm họa thiên tai, TS Bùi Thị Thanh Hương đã chia sẻ các nội dung tích hợp tái tuần hoàn rác thải vào chương trình giáo dục tiểu học hiện hành theo 2 hướng tiếp cận STEM+ bài học và STEM+ chủ đề. Từ đó, việc vận dụng lý thuyết STEM+ vào các bài dạy tại trường tiểu học mà cô đưa ra thật rõ ràng, dễ hiểu thông qua phân tích một video bài giảng mẫu theo hướng tiếp cận STEM+ bài học về “chế tạo bình lọc nước mini” và phân tích một giáo án mẫu theo hướng tiếp cận STEM+ chủ đề về “chế tạo phao cứu sinh đơn giản”.
TS. Bùi Thị Thanh Hương đã chia sẻ các nội dung tích hợp tái tuần hoàn rác thải vào chương trình giáo dục tiểu học tại buổi tọa đàm.
Dịp này, các diễn giả đã chia sẻ các vấn đề: dạy học khoa học ở tiểu học theo tiếp cận STEM; so sánh chương trình khoa học tự nhiên của Việt Nam với chương trình khoa học tự nhiên tiểu học của Mỹ; thực hành STEM chuẩn Mỹ đơn giản và hiệu quả cho mọi người; hướng dẫn thực hành một chủ đề STEM cho học sinh tiểu học.
Tin rằng, các chuyên gia mong muốn gửi tới các giáo viên, phụ huynh tại toạ đàm về thông điệp: “Tự bản thân mỗi trẻ đã sẵn có tố chất STEM; STEM là phương pháp giáo dục dành cho tất cả mọi người, mọi đối tượng học trò. STEM không phải là phương pháp giáo dục xa vời và đắt đỏ. STEM thực sự gần gũi và mọi người đều rất dễ thực hành trong gia đình hay nhà trường”.
Theo Đinh Dương/Bantinplus.vn