Niềm đam mê nấm của cô gái xứ Sen Hồng
(HNTT) – Giữa mùa dịch COVID-19 với muôn vàn khó khăn, cô gái trẻ quê hương đất Sen Hồng (Ðồng Tháp) vẫn mang về hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ niềm đam mê trồng nấm của mình.
Bỏ phố về quê
Phạm Thị Phước Vân (25 tuổi) quê xã Tân Phú Trung (Châu Thành, Đồng Tháp) học chuyên ngành công nghệ sinh học trường đại học An Giang. Sau khi tốt nghiệp đại học, Vân có công việc ổn định tại thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp).
Tuy nhiên, sau 2 năm công tác, cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống đô thị, vì thế, cô quyết định xin nghỉ về quê lập nghiệp với niềm đam mê trồng nấm sạch.
Một trong những lý do để cô chọn khởi nghiệp với nấm là vì bản thân rất thích ăn món nấm. Đồng thời, muốn giúp người nông dân có thêm mô hình nông nghiệp mới, tận dụng phế phẩm nông sản và nâng cao giá trị cây trồng sau thu hoạch. “Thời điểm đó, ngoài kiến thức lý thuyết 4 năm trên giảng đường và 2 năm kinh nghiệm đi làm thì chẳng có gì trong tay. Mọi thứ vô vàn khó khăn nhưng khát vọng, ước mơ và ý chí lập nghiệp luôn cháy bỏng”, Vân chia sẻ.
Phạm Thị Phước Vân bên sản phẩm nấm của mình
Với cô gái 9X, phương châm là việc làm đó phải có ích cho xã hội; công việc khiến mình vui sướng, thoải mái và làm ra tiền, không quá nhiều nhưng đủ sống qua ngày.
Vân kể, cách đây 6 năm, khi còn là sinh viên năm 2 cô xác định được hướng đi của mình là làm chủ bản thân và khởi nghiệp từ chính tài nguyên bản địa của quê mình.
Nấm Hoàng Ðế do Vân sản xuất
Quả ngọt
Đầu năm 2021, cô gái trẻ bắt tay thực hiện ý tưởng trồng nấm. Với chuyên ngành đã học, cô dành nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, hoàn thiện và dần đưa ra được phôi nấm chất lượng nhất để giúp mọi người có thể dễ dàng tự tay trồng được nấm tại nhà, vừa tiết kiệm chi phí và vừa đảm bảo an toàn. Cô chọn các phôi nấm dễ trồng, ngắn ngày như: nấm bào ngư xám, nấm Hồng Ngọc, nấm Hoàng Kim…
Nói thì dễ nhưng bắt tay vào thực tế là một câu chuyện hoàn toàn khác. Những mẻ phôi nấm đầu tiên, mặc dù cô làm rất tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhất và cả sự tâm huyết nhưng kết quả không như mong đợi, sản phẩm bị lỗi hơn 50% nên bị lỗ.
Vân chia sẻ rằng, công việc này chủ động được thời gian và thỏa đam mê. Ðồng thời, từng bước chứng minh được sự lựa chọn của mình là đúng đắn, điển hình trong mùa dịch hiện nay.
Sau đó, cô ngồi xem xét lại và tìm hiểu các lí do rồi khắc phục, lần thứ 2 ít hỏng hơn một chút, lần thứ 3 tiến bộ hơn tí, lần thứ 4, thứ 5,…. Mỗi lần thất bại, tiền vốn cạn dần, nhưng rồi cuối cùng, quả ngọt cũng đã đến, cô đã làm tốt và số hỏng nằm trong mức cho phép. “Những lúc sản phẩm hư, nhiễm bệnh nhiều quá hoặc lúc không bán được hàng ở giai đoạn đầu làm mình nản nhưng chưa bao giờ mình nghĩ đến việc từ bỏ. Càng khó khăn, trong lòng càng thôi thúc phải cố gắng để vượt qua”, Vân tâm sự.
Hiện tại, Vân chủ yếu sản xuất giống nấm để cung cấp cho các trang trại, còn dư thì bán lẻ cho khách về trồng ở nhà ăn. Trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất khoảng 2.000 – 3.000 bịch giống với doanh thu khoảng 40 triệu đồng/tháng. Ngoài việc bán giống, Vân còn mở lớp hướng dẫn online trồng nấm tại nhà để kiếm thêm thu nhập.
Theo Hoà Hội/tienphong.vn