Nghịch cảnh là đòn bẩy để xoay chuyển cuộc đời
(HNTT) – Tất cả chúng ta đều sợ thất bại. Trong một thời đại mà những bài học thành công được tung hô một cách thái quá, chúng ta ít nhiều đều bị tâm lý không sẵn sàng đối diện với những sai lầm và thất bại. Thậm chí người ta còn lên án nỗi buồn, lòng trắc ẩn… và cho rằng đó là những cảm xúc yếu đuối, cản trở con người đi đến thành công.
Tiến sĩ Susan Kahn là nhà tâm lý học kinh doanh: chuyên gia khai vấn, nhà diễn thuyết, người cố vấn và chuyên gia hòa giải. Trong quyển sách “Sức bật tinh thần” (tựa gốc: Bounce Back), tác giả Susan Kahn đã định nghĩa “sức bật tinh thần” chính là khả năng thích ứng và thay đổi, là tận dụng nghịch cảnh để mài giũa bản thân trở nên giỏi giang hơn, mạnh mẽ hơn và linh hoạt hơn. Chính tâm lý sợ thất bại và không lên kế hoạch cho thất bại khiến con người thất bại trong kế hoạch chinh phục thành công.
“Sức bật tinh thần” không đơn thuần là quyển sách hướng người đọc đến với cuộc sống thành công, mà còn chứa đựng kiến thức chuyên sâu về thần kinh học, phân tâm học và tâm lý học xoay quanh sự phản kháng của con người khi vấp ngã. Trong quyển sách này, Susan Kahn bàn về căn nguyên của nỗi sợ thất bại, bao gồm những yếu tố ẩn sâu trong tiềm thức đến mức ta không nhận thức được sự tồn tại của chúng. Những “điểm mù” này góp phần không nhỏ vào việc định hình phản ứng của bản thân ta với sự thất bại, mất mát và xung đột. Do đó, chỉ sau khi nhận ra những yếu tố ẩn sâu trong tiềm thức và biết cách xử lý chúng, chúng ta mới có thể vượt qua nỗi sợ thất bại và biến thử thách thành cơ hội.
Để nhìn thử thách, khó khăn hay thất bại như một “món quà mở chậm”, bạn cần phải có thời gian và sự tập luyện. Hầu hết chúng ta đều chọn phản ứng vội vàng trước những biến cố ngoài ý muốn và để tinh thần trượt dốc, gãy đổ theo chuỗi sự kiện tiêu cực. Tác giả Susan Kahn chia sẻ quan điểm về những thói quen tâm lý giúp độc giả có sức bật tinh thần một cách tự nhiên mà không cần đến sự tích cực giả tạo, trấn an tạm thời.
Susan cho rằng khi đối diện với những nguy biến và cảm xúc khó chịu, hay giận dữ, chúng ta khoan vội phản ứng. Khoảng dừng này có sức mạnh rất lớn. Nó cho chúng ta thời gian thay đổi cách phản ứng và quan điểm – vốn là mấu chốt trong việc bạn có chiến thắng được nghịch cảnh hay không.
Phản ứng ban đầu của chúng ta không phải lúc nào cũng là có lợi nhất. Ví dụ nếu bạn không được đề bạt thăng chức, bạn nghĩ mình thật ngu ngốc khi ứng cử. Giá như mình đừng ảo tưởng thì giờ có thể không bị chuốc lấy sự chế nhạo của đồng nghiệp… Đó là suy nghĩ không có sức bật tinh thần. Trong khi nếu bạn nghĩ đơn giản rằng mình cần cố gắng hơn thì mọi việc sẽ khác…
Được biết, trước khi đạt được thành công ở tác phẩm Bounce Back (Sức bật tinh thần), Susan Kahn đã nổi tiếng với quyển sách đầu tay Death and the City (Cái chết và Thành phố), đề cập đến cảm giác mất mát, buồn rầu và trầm uất tại nơi làm việc, đồng thời là bài nghiên cứu về hồi kết của các tổ chức trong cơn khủng hoảng tài chính. Nghiên cứu sử dụng công cụ quan sát theo phân tâm học này đã nhận được giải thưởng của Viện nghiên cứu Birkbeck.
Theo Hồng Minh/baophapluat.vn