Nghiên cứu trao đổi

Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện ISAI: Công tác thiện nguyện bộc lộ một số hạn chế, bất cập – vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự

(HNTT) – Từ xưa, tương thân tương ái, giàu tinh thần thiện nguyện, luôn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và đây là truyền thống tốt đẹp cần được nhân lên trong xã hội cho đến bây giờ. Thếnhưng, Nhà nước không cho phép bất kỳ ai lợi dụng “chiếc áo” từ thiện nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, thậm chí còn có hành vi tiêu cực gây kích động trong Nhân dân. 

Ảnh minh hoạ

Trong suốt thời gian vừa qua, cậu chuyện sao làm từ thiện đã gây nhiều tranh cãi. Chia sẻ về điều này, ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) cho rằng đối với hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện, ngoài việc vi phạm nghiêm trọng đến đạo đức xã hội trong đó còn vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự.

Theo ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI), nhấn mạnh: “Việc kêu gọi từ thiện sau đó chiếm đoạt hoặc ăn bớt tiền từ thiện là hành vi trục lợi trên nỗi đau, trên khó khăn hoạn nạn của người khác và là hành vi lừa dối, gian dối, lợi dụng lòng hảo tâm của người khác để trục lợi. Hành vi này làm mất niềm tin của con người với nhau, làm cho người ta luôn nghi ngờ lòng tốt, làm suy giảm cái thiện lương trong mỗi con người. Qua đó, khi nhiều người thực hiện hành vi lừa đảo trong hoạt động từ thiện sẽ khiến nhà hảo tâm sẽ nảy sinh lòng trắc ẩn, thiếu niềm tin khi trao gửi tình cảm, tấm lòng…

Có thể thấy, lan tỏa những cái đẹp là việc làm rất tốt. Tuy nhiên, nếu tung hô quá mức để chiếm đoạt thì sẽ dẫn đến hệ quả khôn lường, bất kỳ ai cũng có thể khiến mình trở thành công cụ bất đắc dĩ trong hoàn cảnh ấy. Tình trạng tuyên truyền, tung hô quá đà, thậm chí lạm dụng, hiểu và làm sai mục đích nhân văn trong hoạt động từ thiện của một số cá nhân, tổ chức sẽ là cái cớ để các thế lực thù địch, mộtsố kẻ xấu lợi dụng để công kích chính quyền, gây mất đoàn kết cộng đồng.

Tương tự, Luật sư Nguyễn Thuỳ Quỳnh, Đoàn luật sư TP. Hải Phòng cho rằng: Trường hợp các cá nhân đứng ra kêu gọi, vận động quyên góp tiền, hàng cứu trợ, hiện pháp luật không quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân này. Mặt dù vậy, việc các cá nhân kêu gọi rồi dùng tiền của số đông làm từ thiện, xét về bản chất, có thể xem đây là hợp đồng ủy quyền. Do đó, người dân ủng hộ, quyên góp để giúp cho đồng bào thiên tai, lũ lụt chính là hoạt động tặng cho. Trong đó, những người ủng hộ, quyên góp tài sản là bên tặng cho, bởi họ đã dịch chuyển tài sản thuộc quyền sở hữu của mình sang cho người khác.

Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, nỗ lực hết sức để hoạt động từ thiện ngày càng được lan tỏa. Bên cạnh đó, với nỗ lực xây dựng các cơ chế, hành lang pháp lý để hoạt động từ thiện ngày càng phát huy giá trị, mang lại ý nghĩa thiết thực, với người gặp khó khăn, cần giúp đỡ. Mặt khác, mỗi người dân trong xã hội cũng cần tự ý thức hoạt động từ thiện phải được tiến hành từ cái tâm trong sáng, không làm từ thiện chỉ vì để đánh bóng tên tuổi của chính mình, có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, địa phương liên quan,…Vì vậy, đây mới thật sự phát huy được sức mạnh của cả cộng đồng trong hoạt động từ thiện, giúp việc làm thiện nguyện đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả.

Cũng theo ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) cho hay khi người dân được nhận tiền bạc, nhu yếu phẩm là bên nhận tặng cho, bởi người dân nhận được tài sản được chuyển giao từ một người khác, có quyền sử dụng đối với tài sản này. Trong khi đó, đối với người kêu gọi ủng hộ, đi trao các nhu yếu phẩm, có thể gọi là bên trung gian nhận và giao tài sản. Do,người này là cầu nối để kết nối, chuyển giao tài sản từ những nhà hảo tâm sang cho người dân. Đây cũng được xem như hợp đồng ủy quyền giữa người tặng cho cho cá nhân đứng ra kêu gọi và phân phối tiền cứu trợ. Ngoài ra, có thể xem đây là giao dịch dân sự phát sinh từ việc ủy quyền và các cá nhân đứng ra từ thiện có nghĩa vụ của người được ủy quyền. Qua đó, người đứng ra từ thiện thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.

Chia sẻ thẳng thắng, Luật sư Nguyễn Thuỳ Quỳnh, Đoàn luật sư TP. Hải Phòng nhận định các cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện và người quyên góp không ký kết bất kỳ hợp đồng ủy quyền nào, nên không thể bắt buộc các cá nhân trên thực hiện việc “báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc” cụ thể là sao kê, công khai, minh bạch số tiền từ thiện. Dù pháp luật chưa có quy định bắt buộc về việc công khai số tiền cứu trợ đối với cá nhân.

Luật sư Nguyễn Thuỳ Quỳnh, nhấn mạnh: “Nhằm đảm bảo cho việc sử dụng tiền từ thiện đúng người đúng chỗ, giữ hình ảnh từ thiện trong sạch, từ tâm, thiết nghĩ các cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện nên chủ động sao kê, công khai, minh bạch số tiền từ thiện cho công chúng”.

Công tác thiện nguyện đã trở thành một nét đẹp của truyền thống dân tộc, mỗi khi đất nước gặp khó khăn từ dịch bệnh, thiên tai địch hoạ thì truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam lại được phát huy thông qua những phong trào, hoạt động từ thiện diễn ra trên khắp đất nước, thu hút sự tham gia tích cực của rất nhiều nhà hảo tâm. Song gần đây, lợi dụng danh nghĩa từ thiện, một số người đã có hành vi không đúng mực, biến việc làm ý nghĩa và tốt đẹp này thành phương thức phục vụ mục đích cá nhân, đánh bóng hình ảnh, thậm chí để quảng cáo, lừa đảo… Điều đó cần phải bị lên án, ngăn chặn kịp thời.

Song song đó, Luật sư Nguyễn Thuỳ Quỳnh cho biết đối với việc sử dụng tiền từ thiện không đúng mục đích và tư túi thì tùy mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc này xử phạt hành chính, nếu để thất thoát, chiếm đoạt tiền, hàng cứu trợ, có thể bị phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng. Người chiếm đoạt tiền, hàng cứu trợ còn bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được. Đối với trách nhiệm hình sự, cá nhân sử dụng tiền không đúng mục đích và tư túi có thể phạm một trong hai tội sau đây:

Trong trường hợp cá nhân có mục đích chiếm đoạt tài sản trước, dùng thủ đoạn gian dối từ đầu, đưa thông tin không đúng sự thật nhằm làm người khác tin hoạt động từ thiện thì cấu thành vi phạm tại Điều 174, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12- 20 năm hoặc tù chung thân. Cùng với đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10- 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Trong trường hợp kêu gọi tiền cứu trợ, cá nhân này mới nảy sinh ý định chiếm đoạt bằng các thủ đoạn gian dối, không sử dụng một phần hoặc toàn bộ số tiền vào mục đích ban đầu thì cấu thành tội phạm tại Điều 175, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Từ đó, phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12- 20 năm.

Dịp này, ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) nhìn nhậnnhững người nổi tiếng hay có ảnh hưởng lớn trong xã hội, hơn ai hết, việc công khai vấn đề tài chính là cần thiết. Tiền quyên góp, đóng góp của các cá nhân, tổ chức để phục vụ hoạt động từ thiện mà bị sử dụng tư túi, vụ lợi cá nhân hoặc sử dụng không đúng mục đích thì căn cứ các quy định của BLHS hiện hành, tùy từng tình huống cụ thể mà có thể bị xem xét, xử lý. Có thể bị xử lý gồm tội “Sử dụng trái phép tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

ThS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) chia sẻ với phóng viên xoay quanh câu chuyện thiện nguyện bị lùm xùm trong thời gian gần đây

Cũng dịp này, CQĐT sẽ xác minh, điều tra các vụ việc lùm xùm liên quan đến các hoạt động từ thiện khi có tin báo, tố giác của tổ chức, cá nhân, hay tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm, ThS. Hồ Minh Sơn cho hay.

Tin rằng, cần hiểu rõ hơn tính nhân văn của công tác “thiện nguyện” là giúp người, giúp mình; giúp người nghèo vượt qua khó khăn, chung tay cùng chính quyền lo cho dân có cuộc sống no ấm, bình yên và giúp chính cái tâm của người làm thiện nhẹ nhàng thanh thản hơn bởi “niềm vui là cho đi”, thể hiện tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia giữa con người với con người, là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trải qua một thời gian lùm xùm về câu chuyện thiện nguyện đã cho thấy một số hạn chế, bất cập của hoạt động từ thiện trong cuộc chiến chống Covid – 19, chống hạn mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt tại một số tỉnh miền Trung…Đã bộc lộ những vấn đề cần sớm khắc phục để phát huy cao nhất hiệu quả của hành động ý nghĩa và cao đẹp này, để không làm tổn thương lòng tốt, tránh lãng phí nguồn lực của nhân dân hay nguy cơ bị lạm dụng, rơi vào tay những đối tượng không xứng đáng. Chúng ta cần nâng cao và thay đổi về nhận thức, hành động để tăng cường lợi ích, hiệu quả của hoạt động từ thiện.

Văn Hải – Ngọc Danh

Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện ISAI: Công tác thiện nguyện bộc lộ một số hạn chế, bất cập – vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự

 

 

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button