Giáo dục

Học sinh ‘hứng sóng’ học online: Đừng than vãn, hãy chìa vai gánh vác những khó khăn

(HNTT) – Thay vì than vãn, chỉ trích, hãy cùng chìa vai ‘gánh’ những khó khăn với Chính phủ, bảo đảm tốt nhất quyền được học tập cho trẻ, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 quay trở lại Việt Nam khiến con đường đến trường của hàng triệu học sinh trở nên xa vời. Gần 2 năm đối mặt với dịch bệnh cũng là từng đó thời gian, học sinh ở nhiều tỉnh thành phải chịu thiệt thòi, phải học tập trong môi trường gò bó với tên gọi học trực tuyến – học online.

Khó khăn, mệt mỏi không chỉ với con trẻ mà với chính phụ huynh. Không ít ý kiến than vãn về chất lượng học online, lo lắng về sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Đặc biệt, khi báo chí thông tin về những học trò vùng cao đi bộ hàng chục km để “hứng” sóng 3G học online, đã có những người lên mạng xã hội dè bỉu, thậm chí tỏ ra “chua xót” vì sự bất bình đẳng, chỉ trích chính quyền “bắt trẻ phải học”!

Xin được thông tin thêm: Tại Trung Quốc, nhiều học sinh phải đi bộ hàng giờ để tìm kiếm tín hiệu di động trên đỉnh núi mới có thể truy cập online. Nhiều quốc gia, học sinh chỉ có thể tiếp cận được với Internet ở một số khu vực như Banglades, Ấn Độ, Myanmar…, thậm chí không có hy vọng học trực tuyến.

Tháng 4 năm nay, Tổ chức Giáo dục- Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) công bố một báo cáo cho thấy, hơn 1,5 tỷ học sinh ở 188 quốc gia đã phải nghỉ học do Covid-19, chiếm hơn 91% số học sinh toàn thế giới. Tổ chức này cũng nhận định, ít nhất 1/3 trẻ em trên thế giới đã không thể học từ xa khi các trường học đóng cửa vì Covid.

Trên thực tế, khi trường học đóng cửa, học trực tuyến thông qua Internet là giải pháp hàng đầu được các nền giáo dục thực hiện. Tuy nhiên, khủng hoảng đã cho thấy sự chênh lệch lớn về khả năng chuẩn bị các tình huống khẩn cấp để duy trì quyền được học tập liên tục, điều kiện truy cập Internet cho học sinh và nguồn cung về tài liệu, trang thiết bị học tập giữa các quốc gia.

Ở Việt Nam, theo thống kê, tỷ lệ người sử dụng Internet hiện nay đạt khoảng 70% dân số, trong khi tỷ lệ trung bình của thế giới là hơn 51%. Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới. Hàng chục triệu người dân đang sử dụng Internet để phục vụ cho việc học tập, làm việc, giải trí,…

Tuy nhiên, dù diện phủ Internet lớn như vậy nhưng không thể nói rằng, việc triển khai giảng dạy và học tập online không gặp khó khăn. Rất nhiều gia đình không có khả năng trang bị máy tính, điện thoại cho con em mình, nhiều khu vực chưa có Internet hoặc có nhưng sóng rất yếu… Chính vì vậy, chỉ một tuần sau ngày khai trường, ngày 12/9 năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đích thân phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” với mục tiêu đầy nhân văn: Hỗ trợ học sinh, đặc biệt học sinh đang ở khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg có điều kiện học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, dù điều kiện kinh tế – xã hội phát triển hơn các khu vực khác nhưng qua rà soát của các ngành chức năng, có khoảng 10.000 học sinh gặp khó khăn khi gia đình không thể trang bị phương tiện để con học online. Tại cuộc gặp với Thủ tướng ngày 29/9 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương vui mừng cho biết, chương trình “sóng và máy tính cho em” đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình rất lớn của nhân dân Thủ đô. Chỉ sau 2 tuần phát động, hơn 8000 máy tính bảng đã được quyên góp để trợ giúp cho các gia đình khó khăn, bảo đảm quyền được học tập cho trẻ. Còn tại những địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều gia đình đã rưng rưng khi nhận được phương tiện hỗ trợ để con em mình được tiếp tục học hành.

“Sóng và máy tính cho em” là giải pháp tình thế nhưng phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh “trẻ em tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Điều này cũng để thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” và Chính phủ có trách nhiệm thực hiện tâm nguyện này trong mọi hoàn cảnh.

Cô Nguyễn Thị An (bên phải), Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Khê, Đà Nẵng trao tận tay học sinh hoàn cảnh khó khăn chiếc máy tính bảng.

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Các nước đang chạy đua với sự lây lan của dịch bệnh để bảo đảm tiêm chủng vaccine nhanh, hiệu quả và sớm tạo được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, trong khi tiêm vaccine phải cần có thời gian thì trẻ em không thể chờ đợi quá lâu để được khôi phục quyền học tập cơ bản và các phúc lợi khác tại trường học. Chính vì thế, Tổng Thư ký LHQ đã kêu gọi các chính phủ cần ưu tiên sử dụng công nghệ hiện có để bảo đảm phổ cập giáo dục trong và sau đại dịch. Mỗi nước phải có lộ trình tài trợ và vận động tài trợ cho các trường học vùng sâu, vùng xa. Trong số các hình thức giáo dục từ xa, cần huy động nguồn lực để cung cấp dịch vụ Internet nhanh nhất nhằm đảm bảo quyền học tập liên tục, nhất là đối với các nhóm dân số nghèo và bị thiệt thòi.

Ai chẳng mong con em mình được đến trường, được thấy những gương mặt rạng rỡ của con khi được gặp thày cô, bạn bè. Trong lúc đợi vaccine bao phủ, chúng ta phải lựa chọn giải pháp nào ít thiệt thòi nhất cho con em mình. Và việc học sinh vùng sâu, vùng xa phải “hứng sóng” 3G cũng là chuyện không hiếm ở nhiều nước.

Không một quốc gia nào liều lĩnh cho trẻ đến trường khi dịch bệnh còn phức tạp. Môi trường sinh hoạt tập thể chính là môi trường thuận lợi để virus lây lan. Ngay tại Việt Nam, ở một số địa phương khi mở cửa trường học đã xuất hiện F0, hàng nghìn thày cô giáo và học sinh phải cách ly. Đó là điều không ai mong muốn.

Thay vì than vãn, chỉ trích, hãy cùng chìa vai “gánh vác” những khó khăn với Chính phủ, bảo đảm tốt nhất quyền được học tập cho trẻ, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào./.

Theo Quốc Phong/VOV.VN

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button