Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đồng bằng sông Cửu Long phải là thực thể kinh tế hoàn chỉnh
(HNTT) – Tại Đồng bằng sông Cửu Long, con số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động trong 3 tháng qua lên tới gần 90%. Ba tháng cuối năm sẽ là thời gian vàng và là thách thức sinh tử đối với nền kinh tế…
Phải phát triển liên kết trên không gian vùng
Tại hội thảo trực tuyến Bức tranh kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý 4 và triển vọng năm 2022 vào sáng 1/10, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết tổng sản phẩm trong nước quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
90 NGHÌN DOANH NGHIỆP RÚT KHỎI THỊ TRƯỜNG
“Mặc dù GDP quý 3/2021 giảm mạnh, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 1,04% trong khi các khu vực khác giảm. Sự đóng góp của Đồng bằng sông Cửu Long – trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước trong việc duy trì sự tăng trưởng là vô cùng lớn.”, ông Thành nói.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng báo động, có hơn 90.000 doanh nghiệp trên cả nước đã rút khỏi thị trường trong quý 3 năm nay, trung bình mỗi tháng 10.000 doanh nghiệp rút lui.
Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, con số các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong ba tháng qua lên tới gần 90%. Ngoài ra, các doanh nghiệp duy trì hoạt động “3 tại chỗ” chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất, trong khi chi phí rất cao.
Sau một thời gian dài chống dịch, nhiều tỉnh thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang từng bước nới lỏng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động quay trở lại làm việc.
“Thời điểm mở cửa lại là thời điểm doanh nghiệp phải thực sự tăng tốc, chiến đấu trong trạng thái vô cùng yếu ớt sau một thời gian dài “ngủ đông”, với muôn vàn khó khăn đặt ra như thiếu vốn, thiếu hụt nguồn lao động, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu của khách hàng thay đổi”, ông Võ Tấn Thành nói.
Nhận dịnh về bối cảnh “bình thường mới”, ông Thành cho rằng, tuy có nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp.
Vì vậy, bên cạnh vai trò đồng hành và tiếp sức của Chính phủ, chính quyền các cấp, thì những nổ lực, sáng kiến, giải pháp thích ứng và hướng đi phù hợp của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn.
HAI XU HƯỚNG LỚN SAU ĐẠI DỊCH
Theo báo cáo của VCCI Cần Thơ, tác động dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn ra đã khiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động nặng nề. Hầu như các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa và ngừng hoạt động.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng Đồng băng sông Cửu Long tháng sau giảm gần 50% so với tháng trước. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 2.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.
“Cần phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nông dân, nâng cao dân trí nông dân, hướng đến thái độ sống tích cực, khuyến khích tinh thần tự lực, tự chủ, liên kết, hợp tác”. Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: “Khi mọi người tranh luận xem ngành nghề nào là thiết yếu và không thiết yếu, thì có một điều không cần phải bàn cãi: Nông nghiệp. Bởi lẽ, Nông nghiệp đạt đủ các chuẩn mực của một ngành thiết yếu. Không có thức ăn, chúng ta sẽ không có gì cả”.
Chỉ ra tương lai sau đại dịch, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, sẽ xuất hiện hai xu hướng lớn. Thứ nhất, hình ảnh từng đoàn xe máy của người dân rời khỏi các khu đô thị lớn, cho thấy xu hướng “dịch chuyển” lao động và dân cư về nông thôn. Thứ hai, tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm, nhất là các sản phẩm tươi sống khuyến khích nhiều người quan tâm, tham gia vào nghề nông, vào lĩnh vực nông nghiệp.
Vì vậy, phải đào tạo, hỗ trợ nông dân tiếp cận tri thức, công nghệ, hiểu biết về quy luật cung cầu, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển bền vững…
“Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần phải chuyển từ theo đuổi phát triển theo từng địa giới hành chính sang phát triển dựa trên không gian liên địa phương, liên vùng có cùng ngành hàng trong không gian mở như một thực thể kinh tế hoàn chỉnh. Cần phải gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Chu Khôi/vneconomy.vn