Nghiên cứu đánh giá việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin
(HNTT) – Sau hơn 2 năm chuẩn bị và hơn 3 năm có hiệu lực thực thi, nhiều cơ quan nhà nước đã phổ biến và thực hiện một số yêu cầu của Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) nhưng chưa đáp ứng đúng tinh thần của Luật này. Chỉ một số ít cơ quan nhà nước thực hiện tốt một vài trong số 9 nội dung công việc mà mỗi cơ quan nhà nước cần làm theo yêu cầu của Luật TCTT. Đây là một trong những kết quả thống kê từ nghiên cứu “Đánh giá việc thực thi Luật TCTT” (lần thứ ba), dựa trên khảo sát với hơn 324 cơ quan nhà nước trên toàn quốc và nghiên cứu sâu hơn ở hai tỉnh Quảng Bình và Sơn La. Kết quả nghiên cứu đã được chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm thực thi Luật TCTT” do Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) phối hợp cùng Liên minh Đất rừng (FORLAND), Liên minh Khoáng sản (LMKS), Liên minh Nước sạch (LMNS) và Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) tổ chức ngày 27/9/2021.
Lý do và phương pháp đánh giá
Luật về quyền thông tin được xem là một trong những luật quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Việc thực hiện luật quan trọng này sẽ có những tác động tích cực đến cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp như tăng hiệu quả quản trị nhà nước, củng cố mối quan hệ và niềm tin giữa người dân và doanh nghiệp vào các cơ quan nhà nước, cũng như tác động tích cực đến sự tuân thủ pháp luật của các bên. Để thực hiện tốt luật này, không thể thiếu vai trò thúc đẩy và phản biện của các tổ chức xã hội và người dân.
Ở Việt Nam, Luật TCTT được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Luật TCTT có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cụ thể hóa quyền công dân được quy định tại Điều 25 trong Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế. Năm 2021, các tổ chức gồm: CEPEW, FORLAND, LMKS, LMNS và tổ chức Oxfam tại Việt Nam (sau đây gọi là nhóm nghiên cứu) đã triển khai đánh giá việc thực thi Luật TCTT lần thứ ba. Đánh giá được thực hiện nhằm cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có liên quan đến bảo đảm quyền TCTT của công dân được ban hành trong giai đoạn từ tháng 3/2020 đến tháng 9/2021 và so sánh sự thay đổi trong việc thực hiện Luật TCTT với đánh giá lần thứ hai. Trên cơ sở đó, Nhóm nghiên cứu đề xuất những khuyến nghị để thực thi hiệu quả hơn Luật TCTT.
Nhóm Nghiên cứu đã áp dụng Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá việc thực hiện quyền TCTT tại Việt Nam (được xây dựng ở lần đánh giá thứ nhất) và Bảng kiểm liệt kê 9 nội dung công việc mà mỗi cơ quan nhà nước là chủ thể cung cấp thông tin cần làm để thực thi Luật TCTT (được xây dựng ở lần đánh giá thứ hai dựa trên các quy định của Luật TCTT và Nghị định 13/2018/NĐ-CP) để khảo sát việc triển khai Luật TCTT của 324 cơ quan nhà nước. Bộ chỉ số và bảng kiểm được áp dụng cho cả bốn nhóm phương pháp đánh giá.
Thực thi Luật TCTT – chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ còn thấp
Luật TCTT là một luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, mang tính quy trình và thủ tục để các cơ quan nhà nước thực hiện công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân. Nghiên cứu “Đánh giá việc thực thi Luật TCTT” được thực hiện hàng năm kể từ năm 2018, 2019 và 2021. Đánh giá lần thứ ba (năm 2021) cho thấy một số thay đổi tích cực từ phía các cơ quan nhà nước trong việc triển khai luật này trên ba khía cạnh: i) Công khai quy chế, đầu mối cung cấp thông tin và thiết lập chuyên mục TCTT, danh sách thông tin phải công khai; ii) Cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân; và iii) Xây dựng báo cáo triển khai thực thi Luật TCTT.
Việc công khai quy chế, đầu mối cung cấp thông tin và thiết lập chuyên mục TCTT có tỷ lệ cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương thực hiện các hạng mục này cao hơn ít nhiều so với lần đánh giá thứ hai năm 2019. Tuy nhiên, trong số 324 cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước được rà soát, có tới 82,4% cổng/trang thông tin điện tử mà ở đó chưa tìm thấy đầu mối cung cấp thông tin và chuyên mục TCTT; 91,3% cổng/trang mà ở đó chưa thể tìm thấy danh mục thông tin phải công khai; và đặc biệt là 100% cổng/trang mà ở đó chưa tìm thấy danh mục thông tin cung cấp có điều kiện.
Về nội dung cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, trong số 315 cơ quan nhà nước được gửi thư yêu cầu cung cấp thông tin, chỉ 27,9% cơ quan cung cấp thông tin; 5,7% số cơ quan từ chối cung cấp thông tin; 7,9% số cơ quan thể hiện chưa nắm được quyền yêu cầu cung cấp thông tin của công dân khi tương tác với các thành viên của nhóm nghiên cứu.
Đối với nội dung xây dựng báo cáo triển khai thực thi Luật TCTT, kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiều cơ quan nhà nước cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện đã xây dựng báo cáo tình hình thực thi Luật TCTT của cơ quan mình theo yêu cầu thể hiện trong các công văn do Bộ Tư pháp ban hành. Các báo cáo này đã đề cập đến việc thực hiện một số trong 9 nội dung công việc mà mỗi cơ quan cần làm theo yêu cầu của Luật TCTT.
Ngoài ra, còn một số tồn tại trong thực thi Luật TCTT như: nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và người dân chưa hiểu hết những quy định của Luật TCTT; các cơ quan dân cử chưa đưa nội dung giám sát việc thực thi Luật TCTT vào kế hoạch giám sát năm 2021; nhiều cơ quan nhà nước chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Luật TCTT…
Các mô hình tốt
Trong số ít những cơ quan nhà nước đã thiết lập chuyên mục TCTT và danh mục thông tin phải công khai, một số điển hình tích cực được kể đến là Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Văn phòng Chính phủ, chuyên mục của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Bắc Ninh, và UBND xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Danh mục thông tin phải công khai trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Bắc Ninh còn được thể hiện dưới các hình thức văn bản phù hợp với cả người cao tuổi và người khuyết tật. Ông Nguyễn Đăng Hòa – Phó trưởng Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Danh mục trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh được thực hiện theo Điều 17, Điều 19 của Luật TCTT, được thiết kế theo dạng bảng thể hiện các nội dung, mỗi nội dung được gắn với đường link tới thông tin, cơ sở dữ liệu tương ứng trên Cổng thông tin điện tử. Cổng thông tin điện tử tỉnh cũng đã thực hiện các biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện quyền TCTT như sản xuất và đăng tải video lên Cổng”.
Khuyến nghị
Trong số các khuyến nghị tới các cơ quan nhà nước ở lần đánh giá thứ ba về việc thực thi Luật TCTT, nhóm nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh việc các cơ quan nhà nước nhanh chóng triển khai thiết lập và duy trì chuyên mục TCTT, danh mục thông tin phải công khai và thông tin cung cấp có điều kiện để thực hiện công khai thông tin một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác. Đồng thời, nhanh chóng phân công đầu mối cung cấp thông tin và công khai quy chế cung cấp thông tin theo tin thần của Luật TCTT. Việc này sẽ giúp người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với thông tin mà không mất quá nhiều thời gian, quy trình tìm kiếm hay thực hiện yêu cầu thông tin; từ đó, tăng hiệu quả quản trị của cơ quan nhà nước cũng như thúc đẩy niềm tin của nhân dân.
Bà Nguyễn Kim Thoa – Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự và hành chính thuộc Bộ Tư pháp khuyến nghị: “Cần lập, duy trì và cập nhật danh mục thông tin phải được công khai và thông tin cung cấp có điều kiện cho công dân để giảm nhẹ gánh nặng cho các cơ quan nhà nước khi phải giải quyết các yêu cầu cung cấp thông tin của công dân và các nhà báo”.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các thủ tục và quy trình về công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân. Tuy nhiên, để đẩy nhanh hơn hiệu quả thực thi luật về quyền TCTT, không thể thiếu vai trò của giới báo chí và các tổ chức xã hội. Bà Ngô Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) cho rằng vai trò của giới báo chí và các tổ chức xã hội là rất quan trọng, đặc biệt là trong việc thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin, theo dõi và hỗ trợ thực hành của các cơ quan nhà nước trong thực hiện công khai thông tin.
Theo Võ Trúc Linh/Tc KH&CNVN