Ứng dụng di động “S-Health” đầu tiên về chăm sóc sức khỏe từ xa cho người cao tuổi
(HNTT) – Ngày 29/9/2021, quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) phối hợp với Bộ Y Tế công bố chính thức ứng dụng di động S-Health, một nền tảng mới được thiết kế đặc biệt dành chăm sóc sức khỏe từ xa cho người cao tuổi, một trong trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp và ứng phó nhân đạo.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến người cao tuổi, đồng thời dấy lên mối lo ngại về sức khỏe và phúc lợi của người cao tuổi trong xã hội. Tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị lây nhiễm Covid-19, tuy nhiên người cao tuổi và những người có bệnh lý nền sẽ có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng và có tỷ lệ tử vong cao hơn. Người cao tuổi có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn, và tỷ lệ này ở người trên 80 tuổi cao gấp 5 lần mức trung bình toàn cầu.
Trước diễn biến phức tạp hiện nay của đại dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh và rất nhiều tỉnh thành phố khác trên cả nước đã khiến nhiều người cao tuổi và gia đình của họ gặp khó khăn trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và những người có bệnh lý nền. Nhu cầu được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe liên tục đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh này, ứng dụng di động S-Health đóng một vai trò quan trọng.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam phát biểu khai mạc tại buổi công bố chính thức của ứng dụng di động S-Health cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng cùng với ứng dụng di động S-Health, sẽ có nhiều phát minh mới ứng dụng công nghệ kĩ thuật số sẽ được phát triển, đem tới hy vọng lớn về việc đẩy nhanh tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ phát triển và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ, trẻ em gái, thanh thiếu niên và người cao tuổi.”
Trên toàn cầu, việc sử dụng Internet của người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi sơ lão (60-69 tuổi) đã tăng lên đáng kể kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 (theo Báo cáo của Ericsson năm 2021). Hơn 80% trong số những người cao tuổi từ 60-69 tuổi sử dụng Internet vào năm 2020 so với 62% vào năm 2015. Theo điều tra Quốc gia về người cao tuổi ở Việt Nam năm 2019, 93% NCT ở nông thôn và 97% ở thành thị có điện thoại di động; và khoảng 4/10 người cao tuổi sử dụng điện thoại thông minh.
Năm 2019, trên thế giới ước tính đã có 703 triệu người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Dự báo con số này sẽ tăng gấp đôi trong ba thập kỷ tới, tăng hơn 1,5 tỷ người vào năm 2050. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Dự báo đến năm 2036, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia “dân số già”, số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên là 21,3 triệu người, khoảng 1/5 tổng dân số. Già hóa dân số và công nghệ kỹ thuật số đồng thời là một phần của các Xu hướng Lớn-Mega Trends trên toàn thế giới mà tất cả chúng ta phải đáp ứng.
“S-Health”, Ứng dụng di động đầu tiên cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi, người chăm sóc và người thân trong gia đình của họ hôm nay đã chính thức ra mắt sau 8 tháng thử nghiệm. Ứng dụng di động đáng tin cậy và thuận tiện cho người sử dụng sử dụng này được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe và đảm bảo sự hội nhập tiếp cận công nghệ số cho người cao tuổi, Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhấn mạnh.
Ứng dụng di động S-Health đã được Bộ Y Tế nâng cấp cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản. Ứng dụng được thiết kế thân thiện với người sử dụng để tìm kiếm thông tin về sức khỏe nói chung và đặc biệt là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Là ứng dụng di động đầu tiên về chăm sóc sức khỏe từ xa cho người cao tuổi, S-Health cung cấp những thông tin cập nhật thường xuyên về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, kiến thức liên quan tới việc duy trì một chế độ dinh dưỡng tốt và phù hợp với người cao tuổi và kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi. Ứng dụng di động cũng có phần tính năng giúp người cao tuổi có thể theo dõi các chỉ số sức khỏe hằng ngày và nâng cấp tính năng hẹn lịch như đặt lịch nhắc nhở uống thuốc, lịch khám sức khỏe.
Bên cạnh đó, để có thể đảm bảo sự tiếp cận của người cao tuổi, ứng dụng di độngđã được nâng cấp cho phép các thành viên trong gia đình có thể kết nối với nhautrên app. Với tính năng như vậy, các thành viên trong gia đình có thể cùng nhau hỗ trợ người cao tuổi trong việc truy cập và sử dụng ứng dụng, chia sẻ thông tin về sức khỏe và quản lý tình trạng sức khỏe của người cao tuổi từ xa. Nút SOS trong ứng dụng sẽ tự động gửi định vị GPS của người cao tuổi tới người thân trong gia đình trong các trường hợp khẩn cấp.
Ứng dụng cũng đồng thời kết nối mạng lưới bác sĩ gia đình và viện dưỡng lão để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người cao tuổi trong cuộc sống hằng ngày hay trong các tình huống khẩn cấp để đảm bảo rằng “không ai bị bỏ lại phía sau”. S-Health được thiết kế để phù hợp, thân thiện với độ tuổi về độ tương phản và màu sắc để người cao tuổi có thể dễ dàng sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế; chia sẻ, năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tỷ lệ người cao tuổi 60+ là 10%; năm 2019 tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số. Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh, năm 2019 là 73,6 tuổi, trong đó nam giới là 71 tuổi, nữ giới là 76,3 tuổi. Tuy nhiên tuổi thọ khỏe mạnh thấp, theo ước tính của WHO nam giới có 8 năm phải sống với bệnh tật và nữ giới có 11 năm sống chung với bệnh tật. Người cao tuổi Việt Nam phải đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép”, đặc biệt là bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch…. Đồng thời họ phải đối diện với nguy cơ suy giảm chức năng sống, hoạt động hàng ngày do quá trình lão hóa. Do vậy hộ gia đình có người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh mãn tính, thường phải đối mặt với chi phí điều trị lớn, nguy cơ tàn phế cao.
“Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, hoạt động đã được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số như Luật người cao tuổi, chương trình hành động về người cao tuổi. Ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030. Với mục tiêu chung: Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030”, Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết thêm.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số – kế hoạch hóa gia đình thông tin, năm 2020, Tổng cục dân số đã phối hợp với UNFPA xây dựng ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (S-Health) nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để người cao tuổi và người thân, người chăm sóc người cao tuổi có thể tự áp dụng trong việc chăm sóc sức khỏe. “Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, thảo luận để xây dựng một ứng dụng tiện ích dành riêng cho người cao tuổi. Chúng tôi cũng đã nhận được nhiều ý kiến góp ý để ứng dụng hoàn thiện hơn. Với sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật và tài chính từ phía Quỹ dân số Liên hợp quốc và Chính phủ Nhật Bản, ngày hôm nay chúng ta long trọng tổ chức lễ công bố chính thức ứng dụng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi S-Health”.
Ứng dụng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi S-Health ra đời cùng với những ứng dụng như nCOVI; sổ sức khỏe điện tử… đáp nhu cầu chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng trong thời đại công nghệ số 4.0.
Theo Hải Linh/ngaymoionline.com.vn