Đằng sau sự lệch pha trên thị trường chứng khoán
(HNTT) – Thời gian gần đây, thị trường liên tiếp giằng co và biến động trong biên độ hẹp nhưng vẫn có cảm giác sôi động nhờ thanh khoản dồi dào cùng với mức tăng giá “chóng mặt” của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa. Trong khi đó, nhiều mã thuộc nhóm cơ bản lại đang nhận sự “lãnh đạm” của dòng tiền.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân tuy đã đóng góp tích cực vào sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường chứng khoán nhưng cũng tiềm ẩn những biến động khó lường. Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh.
Trong đó, “nhóm Louis Holdings” bao gồm CTCP Louis Capital (mã: TGG), CTCP Louis Land (BII), CTCP Chứng khoán APG (APG), CTCP Sametel (SMT) và CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (AGM), CTCP DAP-VINACHEM (DDV) là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong bối cảnh này.
Cổ phiếu nhỏ “đại náo” sàn chứng khoán
Trong khoảng một tháng qua, cổ phiếu BII đã ghi nhận 13 phiên tăng trần, trong đó có nhiều phiên tăng trần liên tiếp, khối lượng giao dịch cũng tăng từ vài trăm nghìn lên hàng triệu cổ phiếu/phiên. Thị giá hiện nay của BII đang ghi nhận mức hơn 30.000 đồng/cp, tương đương mức tăng gần 4 lần so với hồi đầu tháng 6.
Ghi nhận mức tăng “khủng” hơn, cổ phiếu TGG bắt đầu tăng mạnh từ ngày 21/6 sau thông tin Louis Holdings mua 5,11% vốn của Louis Capital từ ông Đỗ Thành Nhân. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất phải kể đến giai đoạn từ 9/8 đến nay với 25 phiên tăng trần, 3 phiên tăng mạnh và chỉ duy nhất 1 phiên đóng cửa trong sắc đỏ.
Nếu so sánh với mức giá 5.150 đồng/cp hồi đầu tháng 6, đến nay TGG đã ghi nhận mức tăng hơn 16,4 lần. Tương tự, các cổ phiếu “họ Louis” khác như SMT, AGG, APG cũng “nổi sóng” cả về thị giá và thanh khoản dù trước đó gần như không có mua bán giao dịch nào trên thị trường.
Điều đáng chú ý là mặc dù thị giá cổ phiếu tăng mạnh nhưng kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này phần lớn lại không mấy khả quan. Đơn cử như Louis Land liên tục thua lỗ nhiều năm, lỗ lũy kế đến năm 2020 là 22 tỷ đồng. Sau khi có sự xuất hiện của Louis Holdings, nửa đầu năm 2021, kết quả của công ty có phần khởi sắc hơn với lợi nhuận sau thuế đạt 34,9 tỷ đồng.
Dù vậy, kiểm toán lại đưa ra loạt vấn đề nội tại của Louis Land và cho rằng việc sử dụng toàn bộ vốn góp để tạm ứng cho cá nhân, tổ chức thực hiện dự án có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn kinh doanh còn lại trong việc duy trì và hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp này.
Hay như cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia đã tăng từ mốc 5.130 đồng/cp lên 46.150 đồng/cp chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021 dù doanh nghiệp lỗ lũy kế lên đến cả trăm tỷ đồng. Tại thời điểm đầu tháng 9, cổ phiếu RIC đã rơi xuống vùng giá 23.000 đồng/cp nhưng vẫn cao đáng kể so với mức 5.130 đồng/cp hồi đầu năm.
Trước đó, vào đầu tháng 6, nhiều “cổ phiếu tí hon” ngành dược phẩm cũng bất ngờ nổi sóng sau thông tin Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine.
Lo méo mó thị trường
Trong khi các cổ phiếu giá thấp đang thu hút được lượng lớn dòng tiền thì một số cổ phiếu có thị giá cao, doanh nghiệp cơ bản tốt lại nhận được sự “thờ ơ”. Chẳng hạn, mã VCF của CTCP VinaCafe Biên Hòa có giá 240.000 đồng/cp nhưng lượng giao dịch trên sàn mỗi phiên chỉ khoảng 100-200 cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu PDN của CTCP Cảng Đồng Nai cũng có lượng giao dịch trên sàn rất ít, chỉ vài trăm cổ phiếu/phiên, nhiều nhất cũng chỉ hơn 5.000 cổ phiếu/phiên, trong khi đó doanh nghiệp luôn duy trì được kết quả kinh doanh tăng trưởng cùng với cổ tức cao trong nhiều năm qua.
Cũng có lợi nhuận hàng năm tăng trưởng tốt, đạt gấp đôi hoặc gấp ba so với năm trước, giá cổ phiếu WCS của Bến xe Miền Tây liên tục duy trì mức cao trong nhiều năm nhưng lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán lại luôn ở mức dưới 1.000 đơn vị/phiên.
Lý giải nguyên nhân của sự thờ ơ này là do các doanh nghiệp kể trên đều là có lượng cổ phần do cổ đông lớn nắm giữ khá cô đặc nên lượng cổ phiếu tự do giao dịch trên sàn ít.
Ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc môi giới Hội sở CTCP Chứng khoán Mirae Asset nhận định, việc nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn duy trì đà tăng nóng mà động lực không xuất phát từ yếu tố nội là do có những câu chuyện riêng.
Đơn cử như nhóm cổ phiếu “họ Louis” có đà tăng xuất phát từ “game M&A”: giới chủ của những doanh nghiệp này đưa ra những triển vọng về việc tái cơ cấu.
“Họ đang tạo ra xu hướng đầu cơ hơn là M&A thực sự, điều này sẽ tạo ra rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư cá nhân “đu” theo khi chỉ quan tâm đến dòng tiền mà bỏ qua những cổ phiếu có cơ bản tốt. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư, một khi rủi ro xảy ra, những nhà đầu tư này sẽ quay lại đổ lỗi cho thị trường”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Phan Dũng Khánh – chuyên gia tài chính chứng khoán, trong lịch sử của thị trường có nhiều diễn biến cổ phiếu đến từ một phần ý muốn chủ quan của lãnh đạo doanh nghiệp, hay chính xác hơn là do cổ đông nắm giữ nên khó phân tích và lý giải.
Vì vậy, trước khi đầu tư vào một cổ phiếu nào đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ lưỡng những vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Bởi lẽ, thị trường chứng khoán không thể có đầy đủ cổ phiếu đáp ứng như cầu của thị trường về giá, thanh khoản, nên việc một số cổ phiếu có giá cao hay thấp, giao dịch nhiều hay ít nhiều khi không phản ánh đúng giá trị thật của chỉ số, có thể làm méo mó thị trường, gây rủi ro cho người tham gia.
Theo Minh Khuê/vnbusiness.vn