Những thuốc được dùng cho trẻ mắc Covid-19 điều trị tại nhà
(HNTT) – Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết, khi trẻ mắc Covid-19 điều trị tại nhà chỉ nên dùng thuốc giảm đau, hạ sốt paracetamol, siro ho, orezol, không nên dùng kháng sinh, kháng viêm.
Hai trẻ F0 được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 4 điều trị. Ảnh: BSCC
Theo BS.CKII Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, trẻ em mắc Covid-19 đa phần không có triệu chứng hoặc chỉ có biểu hiện nhẹ như: sốt, ho khan, mệt mỏi, đau cơ, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, đau đầu, mất vị giác/khứu giác, nôn, tiêu chảy nên có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà. Nếu không có các biến chứng nặng, trẻ sẽ hết sốt, các triệu chứng lâm sàng sẽ giảm dần và thường khỏi bệnh sau 7-10 ngày.
Bác sĩ Quy cho biết, trẻ mắc Covid-19 điều trị tại nhà cần dùng thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol liều 10 – 15 mg/kg/lần, uống khi sốt trên 38,5 độ C. Mỗi lần uống cách nhau 4-6 giờ. Cho trẻ uống thêm thuốc giảm ho với các siro ho thảo dược. Ngoài ra, có thể cho trẻ uống thêm nước orezol. Đặc biệt, cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều bữa, ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Vệ sinh thân thể, răng, miệng, mũi họng cho trẻ sạch sẽ.
Cần cho trẻ mặc đồ thoáng mát, ở phòng thoáng khí. Hướng dẫn trẻ nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng, hít thở sâu, đều. Cha mẹ cần hỗ trợ tâm lý, động viên trẻ và có cách phòng lây nhiễm trong gia đình.
Bác sĩ Quy lưu ý, cha mẹ không được dùng kháng sinh, kháng viêm, kháng đông cho trẻ. Bởi đây là thuốc được dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu trở nặng của trẻ sau:
Theo bác sĩ Quy, trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nặng là bú kém, nôn ói, tiêu lỏng, li bì, không tỉnh táo, co giật. Trẻ bị đau họng, đau đầu, ho, khó thở, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác, khứu giác. Trẻ bị ho hoặc khó thở, thở nhanh (thở nhanh được xác định khi nhịp thở ≥ 40 lần/phút ở trẻ từ 1 – dưới 5 tuổi, ≥ 30 lần/phút ở trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi). Chỉ số đo máy SpO2 ≤ 95%. Thở rên, hoặc rút lõm lồng ngực, thở bất thường, co giật, tím tái.
Có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: Sốt cao, mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban. Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng.
“Khi phát hiện con có một trong các biểu hiện trên, cha mẹ cần báo ngay với cơ sở quản lý F0 tại nhà về để trẻ được can thiệp y tế và đưa đi cấp cứu kịp”, bác sĩ Quy nhấn mạnh.
Bác sĩ Quy cũng lưu ý, trẻ dưới 12 tháng tuổi, trẻ suy giảm miễn dịch hay mắc các bệnh mạn tính, béo phì có nguy cơ trở nặng nên cần được nhập viện theo dõi sát tại cơ sở y tế khi mắc Covid-19.
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) cho biết, tính đến ngày 18/9, TP đang điều trị cho 3.366 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19.
Theo Bộ Y tế, trẻ F0 được điều trị tại nhà khi có kết quả xét nghiệm dương tính bằng PCR hoặc test nhanh kháng nguyên nhưng không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng nhẹ. Trẻ không có các dấu hiệu như: không suy hô hấp (SpO2 ≥ 96%), không thở nhanh, không rút lõm ngực, không có hiện tượng thở bất thường. Không có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban…
Không có các yếu tố nguy cơ như thừa cân/béo phì, trẻ nhỏ hơn 12 tháng tuổi, có bệnh lý nền mạn tính (ung thư,tan máu bẩm sinh, bệnh thận mạn, đái tháo đường, bệnh phổi mạn, bệnh phổi mô kẽ, hen phế quản, bệnh lý tim mạch, bệnh lý gan).
Theo vietnamnet.vn